Theo hãng tin TASS của Nga, Tổng Giám đốc Borisov cho biết tập đoàn có kế hoạch thu hút đầu tư thông qua trái phiếu do công ty tài chính của Roscosmos phát hành. Các trái phiếu này sẽ được niêm yết trên các sàn giao dịch chứng khoán của Nga, chủ yếu dành cho các ngân hàng được ủy quyền cũng như những nhà đầu tư tư nhân. Khối lượng trái phiếu phát hành tối đa là 50 tỷ ruble, thời hạn 15 - 20 năm và chi trả lợi tức mỗi 181 ngày. Đợt phát hành đầu tiên dự kiến trong năm 2023 với giá trị 10 tỷ ruble.
Theo ông Borisov, khoản tài chính này sẽ là cơ sở để xây dựng 2 nhà máy mới chế tạo vệ tinh hàng loạt, trong đó 1 nhà máy hợp tác với Công ty Vệ tinh thông tin Resetnev, có thể là ở Krasnoyarsk, và nhà máy còn lại có thể ở tỉnh Moskva, vì ở đây có một tổ hợp các nhà máy khác tạo thuận lợi về logistics.
Roscosmos dự kiến làm theo mô hình của Mỹ là thu hút các công ty tư nhân tham gia dự án chế tạo vệ tinh. Cơ quan đang đàm phán với các công ty Megafon và Sber, Hệ thống Không gian Gazprom, Sitroniks, BARL và nhiều công ty khác về triển vọng hợp tác trong tương lai. Tổng Giám đốc Borisov cũng lưu ý tới các trường đại học nghiên cứu phát triển công nghệ tiên tiến và chế tạo vệ tinh như Viện Vật lý và Công nghệ Moskva (MFTI), Đại học Nghiên cứu quốc gia Samara mang tên Viện sĩ Korolev và Khoa Nghiên cứu vũ trụ của Đại học Tổng hợp quốc gia mang tên Lomonosov (MGU).
Vedomosti dẫn lời quan chức Roscosmos cho biết Nga hiện chế tạo khoảng 15 vệ tinh mỗi năm và đặt mục tiêu tới cuối năm 2025 tăng con số này lên mức từ 200 - 250 vệ tinh. Trong khi đó, mỗi năm Trung Quốc chế tạo 500 vệ tinh và tập đoàn SpaceX của tỷ phú Mỹ Elon Musk dự kiến đến hết năm 2022 xuất xưởng tổng cộng 42.000 vệ tinh.