Sáng kiến này đã đoạt giải C tại Cuộc thi sáng kiến kỹ thuật do Quân khu 5 tổ chức vừa qua.
Hiện nay, trong trang bị cá nhân, bộ đội có 1 bi đông đựng nước bằng nhôm, dung tích 1 - 1,2 lít. Tuy nhiên, trong huấn luyện, công tác, hành quân, trú quân dã ngoại, lượng nước uống đó không đáp ứng đủ nhu cầu cho 1 người trong ít nhất 1 ngày, nhất là khi hoạt động dài ngày trong điều kiện nắng nóng ở những khu vực xa dân cư, xa nguồn nước tự nhiên hoặc khi nguồn nước bị ô nhiễm...
Điều này dễ xảy ra tình trạng thiếu nước cho bộ đội. Trước đây cũng đã có giải pháp khắc phục vấn đề trên bằng cách tăng thể tích của bi đông nước. Nhưng, nhược điểm của giải pháp này là tăng khối lượng mang vác của bộ đội, giảm tính cơ động, dễ bị phát hiện trong chiến đấu, nhất là đối với các bộ phận cần sự bí mật cao. Vì thực tế trên, Thượng úy Phạm Văn Linh đã nghĩ đến ý tưởng cần có biện pháp xử lý nước tự nhiên để bộ đội uống trong quá trình hành quân. Từ ý tưởng, Thượng úy Phạm Văn Linh đã biến thành hiện thực chỉ sau 5 tháng bắt tay vào nghiên cứu, sáng chế.
“Bộ lọc bi đông nước” được thực hiện trên cơ sở tích hợp hai phương pháp lọc nước phổ biến hiện nay (lọc thông qua lớp đá, sỏi, than hoạt tính, vải... để loại bỏ chất bẩn trong nước và công nghệ lọc thẩm thấu qua màng lọc với kích thước siêu nhỏ nhằm loại bỏ các tạp chất để có nguồn nước gần như tinh khiết) vào trong một sản phẩm được thiết kế gồm hai bộ phận chính là bộ lọc nước cơ bản và bộ lọc tinh.
Bộ lọc nước cơ bản là 1 ống hình trụ bằng nhựa dài 4cm, đường kính 2cm, 1 đầu có gen ngoài để gắn vào miệng bi đông. Bên trong ống đặt các lớp lọc thô (lưới dệt lọc, bông lọc, than hoạt tính, màng lọc) có tác dụng lọc nước ban đầu để loại bỏ các chất bẩn lớn, nấm, tảo và khử mùi...
Tương tự, bộ phận lọc nước cuối (lọc tinh) cũng là một ống nhựa dài 10cm, đường kính 2cm, một đầu gắn vòi ra nước thành phẩm ra ngoài. Bên trong ống nhựa này gồm các vật liệu lọc rỗng có kích thước cực nhỏ. Hai đầu ống lọc nối với đầu ra ra của bi đông để đưa nước sạch ra vòi. Bộ phận này có tác dụng xử lý lần cuối các chất hòa toàn trong nước như kim loại nặng, các vi khuẩn, chất độc hóa học nặng (đã thử nghiệm với nguồn nước có nhiễm độc trong chiến tranh có sử dụng chất độc hóa học), có thể lọc được một lượng lớn nước thành phẩm sau khi đã qua bộ phận lọc cơ bản.
Mặc dù Thượng úy Phạm Văn Linh có được sự động viên của đơn vị, gia đình nhưng cũng gặp không ít khó khăn trong trong quá trình sáng chế sản phẩm “Bộ lọc bi đông nước”. Đầu tiên là việc tìm vật liệu lọc rất kì công, chiếm phân nửa thời gian hoàn thiện sản phẩm, do vừa phải đảm bảo được tính lọc sạch nước nhưng cũng phải đảm bảo nhỏ gọn, sử dụng được bên trong bi đông lọc. Tiếp theo là, thời gian xét nghiệm thử các mẫu nước sạch của bi đông lọc nước ở Viện Pasteur Nha Trang rất lâu (15 ngày/mẫu/hàng chục mẫu thử).
"Chi phí lắp 1 sản phẩm hoàn thiện (không tính bi đông) chỉ khoảng 250.000 đồng. Sản phẩm nhỏ gọn, tiện lợi, dễ mang theo và chất lượng nước sau lọc đã được Viện Pasteur Nha Trang kiểm nghiệm, chứng thực bảo đảm đủ tiêu chuẩn để uống trực tiếp. Sản phẩm này không chỉ phù hợp trong quân đội mà còn có thể thích hợp phổ biến cho các đồng bào dân tộc thiểu số, thường xuyên phải làm việc trên các nương rẫy xa, người làm việc sâu trong rừng, không mang theo đủ lượng nước lớn” Thượng úy Phạm Văn Linh chia sẻ.
Trung tá Ngô Quý Đông, Chủ nhiệm Kỹ thuật, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Khánh Hòa cho biết, thời gian qua, phong trào sáng kiến cải tiến kỹ thuật trong đơn vị được hưởng ứng rất tích cực. Nhiều cán bộ, chiến sĩ đã phát huy niềm đam mê sáng tạo, cho ra nhiều sáng kiến có tính ứng dụng cao. “Bộ lọc bi đông nước” của Thượng úy Phạm Văn Linh là một sản phẩm hoàn toàn mới, khắc phục khó khăn thiếu nước, nâng cao hiệu quả công tác huấn luyện cũng như tăng gia sản xuất cho bộ đội mà giá thành cũng thấp, dễ áp dụng rộng rãi.