Theo CNN, tên lửa Falcon 9 đã rời bệ phóng tại Khu tổ hợp Phóng Vũ trụ 40 tại Căn cứ Lực lượng Vũ trụ Mỹ ở Mũi Canavera, bang Florida vào ngày 24/1 (theo giờ địa phương).
Sứ mạng có tên Transporter-1 đã mang theo 10 vệ tinh dành cho mạng internet Starlink của SpaceX và 133 vệ tinh khác cho nhiều khách hàng khác nhau, bao gồm Planet (công ty điều hành vệ tinh hình ảnh Trái đất) và ICEYE (phát triển vệ tinh radar nhỏ theo dõi lũ lụt và băng).
Kỷ lục trước đây của tên lửa mang nhiều vệ tinh nhất thuộc về tên lửa PSLV của Ấn Độ, mang theo 104 vệ tinh trong lần phóng năm 2017.
Xem video tên lửa Falcon mang theo 143 vệ tinh rời bệ phóng:
Sứ mạng Transporter-1 của Space X là lần đầu tiên trong chương trình chia sẻ tên lửa mà SpaceX công bố năm 2019. Vào thời điểm đó, công ty cho biết, họ sẽ dành các vụ phóng tên lửa Falcon 9 "theo lịch trình thường xuyên" của mình để mang theo một loạt vệ tinh nhỏ (còn gọi là smallsat), “thay vì tập trung vào một thiết bị trọng tải lớn”.
Vệ tinh nhỏ đã xuất hiện gia tăng nhanh chóng trong vài năm qua. Những vệ tinh này có kích thước từ nhỏ như một chiếc điện thoại thông minh đến lớn như chiếc tủ lạnh. Khi các smallsat ngày càng tiên tiến hơn, nhiều doanh nghiệp đã tham gia vào thị trường hứa hẹn cung cấp các dịch vụ sử dụng công nghệ vệ tinh nhỏ mới.
Thông thường các vệ tinh nhỏ được đưa lên quỹ đạo bằng cách gắn cùng với những vệ tinh lớn, đắt tiền hơn, và danh sách chờ đợi thường kéo dài.
Tuy nhiên hoạt động phóng vệ tinh nhỏ đã có được động lực lớn nhờ thị trường vệ tinh nhỏ đang bùng nổ. Hàng chục công ty tên lửa mới hứa hẹn sẽ chế tạo các tên lửa thu nhỏ có thể phóng nhanh và dễ dàng các loại vệ tinh nhỏ.
Hai công ty như vậy, Rocket Lab và Virgin Orbit, đã phóng thành công tên lửa thu nhỏ lên quỹ đạo và bắt đầu hoạt động thương mại.
Tên lửa Falcon 9 của SpaceX lớn hơn nhiều so với tên lửa của Rocket Lab và Virgin Orbit, và chúng thường được sử dụng để phóng các phương tiện viễn thông cao cấp, vệ tinh do thám hoặc tàu vũ trụ Dragon chuyên chở các phi hành gia và hàng hoá đến Trạm Vũ trụ Quốc tế (ISS).
Quyết định thực hiện các sứ mạng bổ sung nhằm đưa vệ tinh nhỏ lên quỹ đạo là lần đầu tiên với SpaceX và là dấu hiệu cho thấy mức độ quan tâm đến ngành công nghiệp này đã tăng lên.
Tuy nhiên, khi số lượng thiết bị trên quỹ đạo ngày càng tăng, các chuyên gia ngày càng lo ngại về tình trạng tắc nghẽn. Trước đây, các vệ tinh đã va chạm vào nhau trên quỹ đạo, và mặc dù những sự cố như vậy không gây ra nhiều mối đe dọa cho con người trên mặt đất, mảnh vỡ từ các vụ va chạm có thể ở lại quỹ đạo trong nhiều năm hoặc nhiều thập kỷ.
SpaceX là tên gọi tắt của Tập đoàn Công nghệ Khai phá Không gian (Space Exploration Technologies Corporation), một công ty tư nhân chế tạo và cung cấp dịch vụ tên lửa đẩy và tàu vũ trụ của Mỹ có trụ sở tại Hawthorne, California. Công ty được thành lập năm 2002 bởi Elon Musk, doanh nhân tỷ phú đã sáng lập công ty PayPal và Tesla Motors. SpaceX đã phát triển các tên lửa đẩy Falcon 1, Falcon 9 và Falcon Heavy với mục đích trở thành các tên lửa có thể tái sử dụng được. Công ty cũng đang phát triển tàu không gian Dragon và Crew Dragon được phóng lên quỹ đạo nhờ tên lửa Falcon 9.