Sử dụng phần mềm không bản quyền sẽ dễ bị đánh cắp dữ liệu

Đó là khẳng định của đại diện BSA | Liên minh phần mềm tại buổi công bố "Điều tra Phần mềm Toàn cầu 2018: Quản lý phần mềm – Đòi hỏi bắt buộc về an ninh và Cơ hội kinh doanh toàn cầu", diễn ra sáng 12/6, tại Hà Nội.

Lễ công bố  "Điều tra Phần mềm Toàn cầu 2018: Quản lý phần mềm – Đòi hỏi bắt buộc về an ninh và Cơ hội kinh doanh toàn cầu".

Theo đại diện BSA, trên thế giới, phần mềm đã trở thành một trong những công cụ phổ biến và thiết yếu nhất của doanh nghiệp trong hoạt động hàng ngày; từ theo dõi doanh số bán hàng, lưu giữ sổ sách, tìm kiếm thị trường, giao tiếp với khách hàng, cộng tác với đối tác, đến nâng cao năng suất. 

Tỷ lệ vi phạm bản quyền phần mềm tại khu vực châu Á- Thái Bình Dương.

Tuy nhiên, cùng với sự phát triển mạnh mẽ này của CNTT,  thì người dùng hiện nay cũng phải đối mặt với các mối đe dọa bảo mật nguy hại, bao gồm cả việc tiếp xúc với phần mềm độc hại; có thể ảnh hưởng nặng nề tới hiệu quả công việc của mình, thậm chí là những thiệt hại lớn về kinh tế.


"Mối liên hệ chặt chẽ giữa tình trạng lây nhiễm phần mềm độc hại với việc sử dụng phần mềm trái phép ngày càng rõ ràng hơn. Do vậy, nhiều CIO (Giám đốc Công nghệ thông tin) đang dần nhận thức được cái giá phải trả thực sự của việc sử dụng phần mềm trái phép, từ đó có các bước đi thiết thực nhằm cải thiện quy trình quản lý phần mềm. Để hiểu rõ hơn về các tác động và cơ hội này, BSA đã tiến hành Khảo sát phần mềm toàn cầu năm với sự hợp tác của IDC nhằm xác định số lượng và giá trị của phần mềm trái phép được cài đặt trên máy tính cá nhân tại hơn 110 nền kinh tế quốc gia và khu vực. Kết quả cho thấy, dù các CIO nhận thức được rằng việc sử dụng phần mềm trái phép tiềm ẩn rủi ro về bảo mật, nhưng vẫn có tới 37% phần mềm cài đặt trên máy tính cá nhân là trái phép", đại diện BSA chia sẻ.

SAM giúp giảm những rủi ro nguy hại trên mạng, cải thiện năng suất, giảm thời gian ngừng hoạt động...

Kết quả khảo sát của BSA công bố ngày 12/6 cho thấy:


Tình trạng sử dụng phần mềm trái phép tuy có giảm nhẹ, nhưng vẫn còn phổ biến. Cụ thể, dù trên toàn cầu, tỷ lệ cài đặt phần mềm trái phép đã giảm 2% trong hai năm qua, nhưng tỷ lệ sử dụng phần mềm trái phép vẫn ở mức báo động, chiếm 37% lượng phần mềm được cài đặt trên máy tính cá nhân. Giá trị thương mại tổng thể của phần mềm trái phép cũng đã giảm, nhưng đa số các quốc gia trong cuộc khảo sát đều có tỷ lệ phần mềm trái phép từ 50% trở lên. Tỷ lệ cao này không chỉ làm trì trệ nền kinh tế địa phương do sự tụt hậu trong thời đại công nghệ phát triển mạnh mẽ, mà còn cản trở sự tăng trưởng lợi nhuận của công ty và gây ra những rủi ro về bảo mật chưa từng thấy. 

Đại diện BSA phát biểu tại buổi lễ công bố.

Các CIO dần nhận thấy việc sử dụng phần mềm trái phép ngày càng tốn kém và gây nhiều rủi ro. Hiện tại, nguy cơ các tổ chức gặp phải phần mềm độc hại khi tiếp nhận hoặc cài đặt một gói phần mềm trái phép hay mua một chiếc máy tính cài sẵn phần mềm trái phép là một phần ba. Trung bình, mỗi cuộc tấn công bởi phần mềm độc hại có thể tiêu tốn của công ty 2,4 triệu USD và mất tới 50 ngày để khắc phục. Trong trường hợp việc nhiễm phần mềm độc hại khiến công ty phải ngừng hoạt động hoặc mất dữ liệu kinh doanh, có thể thương hiệu và danh tiếng của công ty cũng sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Chi phí cho việc xử lý phần mềm độc hại có liên quan đến phần mềm trái phép cũng đang tăng lên. Giờ đây, một công ty có thể phải tốn hơn $10.000 cho mỗi máy tính bị nhiễm phần mềm độc hại, và tính tổng cộng thì các công ty trên toàn thế giới phải tốn gần 359 tỷ USD/năm. Hiện tại, lý do hàng đầu mà các CIO viện dẫn cho việc đảm bảo phần mềm trên mạng lưới của họ được cấp phép đầy đủ là để tránh các mối đe dọa về bảo mật từ phần mềm độc hại. 


Nâng cao ý thức tuân thủ quy định về phần mềm hiện là một yếu tố thúc đẩy nền kinh tế và nhu cầu bảo mật. Với phí tổn do phần mềm độc hại gây ra ngày càng tăng, lãnh đạo các doanh nghiệp đang dần chuyển sang sử dụng phần mềm có giấy phép đầy đủ cho phép vá bằng các bản cập nhật mới nhất để làm hàng rào phòng thủ chủ chốt chống lại sự xâm nhập của phần mềm độc hại, rò rỉ dữ liệu và các rủi ro bảo mật khác. Cũng ngày càng có nhiều lãnh đạo nhận ra rằng việc cải thiện khả năng quản lý phần mềm trong toàn bộ tổ chức có thể trở thành một công cụ mới mạnh mẽ giúp họ giảm thời gian ngừng hoạt động và gia tăng đáng kể lợi nhuận. Trên thực tế, IDC ước tính rằng khi các công ty thực hiện những biện pháp thiết thực để cải thiện việc quản lý phần mềm, họ có thể tăng lợi nhuận lên tới 11%. 


"Điều tra Phần mềm Toàn cầu 2018: Quản lý phần mềm – Đòi hỏi bắt buộc về an ninh và Cơ hội kinh doanh" xác định số lượng và giá trị của các phần mềm không bản quyền được cái đặt trên máy vi tính cá nhân ở hơn 110 nước và khu vực, thu thập gần 23.000 phiếu trả lời của người tiêu dùng, người lao động và các CIO trong các lĩnh vực trên.

Các tổ chức có thể thực hiện các bước đi ý nghĩa ngay hôm nay để cải thiện việc quản lý phần mềm và đạt được những lợi ích quan trọng. Để tiếp cận những lợi ích này, các tổ chức có thể thực hiện những biện pháp đã được chứng minh là hiệu quả nhất trong quản lý tài sản phần mềm (SAM) để cải thiện việc quản lý tài sản phần mềm và khai thác tối đa công nghệ của họ. SAM không chỉ giúp các CIO đảm bảo rằng phần mềm chạy trên mạng lưới của họ là hợp pháp và được cấp phép đầy đủ, mà còn giúp giảm những rủi ro nguy hại trên mạng, cải thiện năng suất, giảm thời gian ngừng hoạt động, tập trung quản lý giấy phép và giảm chi phí. Theo nghiên cứu, các tổ chức có thể tiết kiệm tới 30% chi phí phần mềm hàng năm nhờ triển khai mạnh mẽ chương trình tối ưu hóa SAM và giấy phép phần mềm.


Riêng với Việt Nam, theo kết quả của Điều tra được công bố, tỷ lệ phần mềm không bản quyền được cài đặt trong máy tính cá nhân của Việt Nam là 74%, giảm được 4% so với năm 2015; là một tỷ lệ rất đáng khích lệ. 


"Tỉ lệ này chịu ảnh hưởng một phần bởi các xu hướng lớn đang diễn ra ở Việt Nam. Đó là lượng tiêu thụ máy vi tính PC tuy giảm mạnh nhưng lượng cài đặt phần mềm tiêu dùng lại tăng, do kết quả của lượng tiêu thụ năm trước. Vì thế, việc tỉ lệ phần mềm không phép giảm chủ yếu là kết quả của việc Việt Nam tiếp tục mở cửa thị trường, thực thi luật, tuyên truyền chứ không phải một yếu tố nội tại của thị trường. Số lượng cơ sở bán lẻ máy PC quy mô nhỏ đã giảm trong khi các nguồn cung cấp phần mềm đáng tin cậy hơn tăng. Các lo ngại về vấn đề an ninh do sử dụng phần mềm không bản quyền khiến một số người tiêu dùng, doanh nghiệp tìm đến phần mềm hợp pháp, chí ít là các phần mềm an ninh", đại diện BSA phân tích.


Còn bà Victoria Espinel, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc BSA | Liên minh Phần mềm khảng định: “Các tổ chức trên toàn thế giới chưa tranh thủ được những lợi ích kinh tế và an ninh mà các phần mềm được quản lý tốt đem lại.Doanh nghiệp cần có các chương trình quản lý tài sản phần mềm (SAM) để đánh giá các phần mềm hiện có trên mạng, từ đó sẽ giảm được rủi ro từ các cuộc tấn công mạng nguy hiểm cũng như góp phần nâng cao thu nhập”.


PV/Báo Tin tức
Không ‘nương tay’ với vi phạm bản quyền phần mềm, dám phạt lên tới 3 tỷ đồng
Không ‘nương tay’ với vi phạm bản quyền phần mềm, dám phạt lên tới 3 tỷ đồng

Trong 5 năm tới Việt Nam phấn đấu tỷ lệ vi phạm bản quyền phần mềm máy tính giảm xuống ngang bằng với các nước trong khu vực.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN