Theo cổng phân tích thông tin News.Az của Azerbaijan ngày 7/10, biến đổi khí hậu toàn cầu đang trở thành một mối đe dọa nghiêm trọng đối với nhiều quốc đảo trên thế giới. Những hòn đảo này không chỉ dễ bị tổn thương trước tác động của môi trường mà còn phải gánh chịu hậu quả tàn khốc từ các hiện tượng liên quan đến khí hậu. Các nhà khoa học dự đoán rằng tình hình sẽ chỉ trở nên tồi tệ hơn trong những thập kỷ tới. Hãy cùng xem xét kỹ hơn những mối đe dọa chính mà các quốc đảo đang phải đối mặt.
Mực nước biển dâng cao: Một trong những tác động nổi bật nhất của sự nóng lên toàn cầu là mực nước biển dâng cao. Sự tan chảy của băng ở hai cực đang làm tăng mực nước đại dương. Các quốc gia và vùng lãnh thổ đảo nhỏ, như Tuvalu ở Thái Bình Dương, đang phải đối mặt với nguy cơ bị nhấn chìm hoàn toàn. Với độ cao tối đa chỉ 4,5 mét so với mực nước biển, Tuvalu đang chìm dần vào đại dương. Chính quyền của hòn đảo này thậm chí đang xem xét khả năng di dời dân đến các quốc gia khác như Australia và New Zealand. Tương tự, Maldives cũng đang phải chi hàng triệu đô la Mỹ để bảo vệ bờ biển và củng cố cơ sở hạ tầng trước nguy cơ xâm lấn của nước biển.
Xói mòn bờ biển: Biến đổi khí hậu cũng đang đẩy nhanh quá trình xói mòn bờ biển. Mực nước biển dâng cao và những cơn bão ngày càng thường xuyên đang cuối trôi những bãi biển và làm suy giảm diện tích đất ven biển. Ở Thái Bình Dương, Kiribati đang mất đi một phần đáng kể đường bờ biển của mình, với các đảo như Abemama và Tarawa đang chịu những tác động tàn phá của tình trạng xói mòn. Sự xói mòn này không chỉ ảnh hưởng đến cơ sở hạ tầng mà còn làm giảm khả năng chống chọi của các đảo trước thiên tai.
Bão mạnh hơn: Biến đổi khí hậu đã dẫn đến sự gia tăng sức mạnh của các cơn bão và lốc xoáy nhiệt đới, khiến chúng trở nên tàn phá hơn. Các quốc đảo ở Caribe, chẳng hạn như Barbuda, đã phải hứng chịu Bão Irma vào năm 2017, làm hư hại hầu hết cơ sở hạ tầng và buộc toàn bộ dân số phải sơ tán. Bão Dorian vào năm 2019 cũng đã tàn phá Bahamas, gây thiệt hại nặng nề cho các đảo Abaco và Grand Bahama. Những thảm họa thiên nhiên này không chỉ phá hủy nhà cửa mà còn tạo ra thiệt hại kinh tế nghiêm trọng, đặc biệt là đối với các quốc đảo nhỏ với nguồn lực phục hồi hạn chế.
Sự khan hiếm nước ngọt: Các quốc đảo nông như Maldives, Kiribati và Quần đảo Marshall đang phải đối mặt với tình trạng xâm nhập nước mặn vào các tầng chứa nước ngọt, dẫn đến tình trạng thiếu nước uống. Mực nước biển dâng cao và những cơn bão thường xuyên khiến nước mặn thấm vào nguồn nước ngầm, làm cho việc tiếp cận nước ngọt trở nên khó khăn. Chính quyền của những hòn đảo này đã phải đầu tư vào các nhà máy khử muối và các biện pháp bảo đảm nguồn nước, với chi phí cao.
Đa dạng sinh học đang bị đe dọa: Nhiệt độ đại dương tăng lên đang ảnh hưởng nghiêm trọng đến các rạn san hô - hệ sinh thái quan trọng giúp bảo vệ các đảo khỏi sóng và cung cấp môi trường sống cho nhiều loài sinh vật biển. Rạn san hô Great Barrier của Australia, chẳng hạn, đang chịu đựng tình trạng bị tẩy trắng hàng loạt do nước ấm hơn. Điều không chỉ ảnh hưởng đến đa dạng sinh học mà còn gây thiệt hại lớn cho ngành du lịch, một nguồn thu nhập chính của nhiều quốc đảo. Tình hình tương tự cũng diễn ra tại Seychelles, nơi sự suy giảm các rạn san hô đang đe dọa cả nền kinh tế và hệ sinh thái địa phương.
Tóm lại, tác động của biến đổi khí hậu đang ngày càng rõ ràng và nghiêm trọng đối với các quốc đảo, và tình hình dự kiến sẽ tiếp tục xấu đi trong tương lai. Những quốc đảo như Tuvalu, Kiribati và Maldives đang ở tuyến đầu của cuộc chiến chống lại biến đổi khí hậu. Mực nước biển dâng cao, xói mòn bờ biển, bão tàn phá và tình trạng thiếu nước ngọt đã trở thành thực tế khắc nghiệt đối với họ.