Trước đó, ngày 2/9, tàu Aditya-L1 đã được phóng thành công từ Trung tâm vũ trụ Satish Dhawan ở Sriharikota, thuộc bang Andhra Pradesh (miền Nam Ấn Độ). Tàu đã đi vào quỹ đạo đầu tiên thành công vào ngày 3/9.
Theo lịch trình, tàu sẽ thực hiện thêm 2 lần chuyển quỹ đạo nữa trước khi đến điểm Lagrange L1 giữa Trái Đất và Mặt Trời. Từ điểm đó, lực hấp dẫn của Mặt Trời và Trái Đất lên con tàu triệt tiêu lẫn nhau, giúp Aditya-L1 duy trì quỹ đạo ổn định quanh Mặt Trời và có thể nghiên cứu Mặt Trời mà không bị ảnh hưởng bởi các hiện tượng che khuất thiên thể.
Theo ISRO, cuộc chuyển quỹ đạo tiếp theo dự kiến diễn ra vào khoảng 2h30 sáng 10/9 (giờ địa phương).
Theo kế hoạch, tàu Aditya-L1 sẽ quan sát khí quyển của Mặt Trời, bề mặt (quang quyển), từ trường và các hạt quanh ngôi sao. Một trong những khu vực dữ dội nhất mà Aditya-L1 sẽ nghiên cứu là tầng thượng quyển của Mặt Trời. Tàu cũng sẽ chụp ảnh cực tím của vành nhật hoa và quang quyển bằng Kính viễn vọng chụp ảnh cực tím Mặt Trời (SUIT).
Ngoài ra, tàu Aditya-L1 cũng sẽ quan sát lóa Mặt Trời và cơn phun trào vành nhật hoa (CME), vụ nổ mạnh có thể ảnh hưởng tới sự sống trên Trái Đất. Aditya-L1 cũng sẽ nghiên cứu thay đổi của plasma trong hành trình từ Mặt Trời tới Trái Đất. Tàu thăm dò cũng thực hiện đo môi trường plasma gần Trái Đất, sử dụng Thí nghiệm hạt gió Mặt Trời (ASPEX).
ISRO cho biết sứ mệnh Mặt Trời này sẽ tạo thuận lợi lớn hơn cho việc quan sát các hoạt động của Mặt Trời và ảnh hưởng của các hoạt động này đối với thời tiết vũ trụ theo thời gian thực.