Sự cố xảy ra vào sáng sớm 27/8 theo giờ địa phương. Tên lửa Falcon 9 được phóng từ Trung tâm Không gian Cape Canaveral, Florida (Mỹ) đưa một nhóm vệ tinh internet Starlink vào quỹ đạo tầm thấp. Buổi phóng thiết lập một kỷ lục mới đối với SpaceX, theo đó tầng đầu tiên của tên lửa Falcon 9 được tái sử dụng lần thứ 23. Tầng tên lửa này đã trở về Trái Đất và tìm cách hạ cánh xuống một sà lan không người lái neo trên biển như thường lệ. Tuy nhiên, những hình ảnh phát trực tiếp cho thấy trong quá trình hạ cánh, tầng tên lửa này đã va chạm rất mạnh, bốc cháy dữ dội và văng xuống biển.
Một phát ngôn viên của FAA cho biết: "Sự cố liên quan việc tầng đầu tiên của tên lửa Falcon 9 không hạ cánh êm được trên sà lan. Không có báo cáo về thương tích hay thiệt hại tài sản công cộng. FAA đã yêu cầu điều tra về vụ việc này".
SpaceX chưa tuyên bố tình trạng của tên lửa đẩy sau sự cố. Trong bài đăng trên mạng xã hội X, SpaceX cho biết các chuyên gia đang đánh giá dữ liệu chuyến bay và trạng thái của tên lửa đẩy trước khi đưa ra kết luận cuối cùng.
Thất bại trên được coi là một cú sốc đối với SpaceX vì hệ thống phóng và đáp tên lửa Falcon 9 được xem là vô cùng đáng tin cậy. Theo FAA, mặc dù gần như không có thiệt hại, nhưng việc hạ cánh thất bại cho thấy có vấn đề ở tên lửa Falcon 9 mà cơ quan này cho rằng có thể gây rủi ro lớn hơn đối với các nhiệm vụ trong tương lai nếu không được điều tra kỹ lưỡng.
Ngoài SpaceX, Cơ quan Hàng không và Vũ trụ Mỹ (NASA) cũng sử dụng Falcon 9 cho các nhiệm vụ của cơ quan này. Hiện chưa rõ việc tên lửa này bị đình chỉ sẽ ảnh hưởng như thế nào đối với nhiệm vụ của NASA.
Nhiệm vụ gần nhất của NASA sử dụng Falcon 9 dự kiến được thực hiện vào cuối tháng 9 tới, đưa 2 phi hành gia của NASA lên Trạm Vũ trụ quốc tế (ISS) bằng tàu vũ trụ Crew Dragon. Sau đó, năm 2025, tàu này sẽ đưa 2 phi hành gia bị "kẹt" trên ISS do tàu vũ trụ Starliner của Boeing bị lỗi. Tuy nhiên với sự cố mới nhất của Falcon 9 , sứ mệnh trên nhiều khả năng sẽ bị trì hoãn.