Ông Nguyễn Thành Phúc, Cục trưởng Cục Viễn thông - Bộ Thông tin và Truyền thông đánh giá: Trong bối cảnh thế giới đang tiến bước vào cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư với nền tảng là công nghệ 5G, việc sở hữu và làm chủ công nghệ này sẽ giúp Việt Nam nâng cao năng lực cạnh tranh, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội; đặc biệt tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển của các ngành công nghiệp mới, như: internet vạn vật (IoT), trí tuệ nhân tạo (AI) và dữ liệu lớn (Big Data). Đây là một dấu mốc quan trọng trong quá trình phát triển công nghệ viễn thông của quốc gia, khẳng định sự trưởng thành và khả năng sáng tạo của ngành viễn thông, đồng thời thúc đẩy quá trình thương mại hóa 5G tại Việt Nam.
Đến nay, Viettel High Tech là đơn vị đầu tiên của Việt Nam được cấp chứng nhận đối với các Quy chuẩn Kỹ thuật Quốc gia về Thiết bị trạm gốc thông tin di động 5G: QCVN 128:2021/BTTTT cho thiết bị trạm gốc gNodeB 32T32R và gNodeB 8T8R. Đây là là sản phẩm 5G “Made in Vietnam” được sản xuất phù hợp với các yêu cầu về an toàn, chất lượng và hiệu suất, đáp ứng các tiêu chuẩn kỹ thuật, quy chuẩn quốc gia của Việt Nam. Đặc biệt, phía Viettel có đội ngũ kỹ sư có trách nhiệm với sản phẩm và sát cánh cùng các đơn vị để cải tiến sản phẩm, xử lý sự cố khi mạng lưới gặp lỗi nhanh nhất.
Hiện nay, Viettel có khả năng cung cấp đầy đủ bộ giải pháp cho mạng 5G từ mạng lõi, mạng truyền dẫn và mạng truy nhập vô tuyến là trạm gốc 5G. Trạm gốc 5G có vị trí quan trọng trong cấu trúc hạ tầng mạng viễn thông, được Tổng Công ty Công nghiệp công nghệ cao Viettel làm chủ toàn bộ phần cứng và phần mềm, toàn trình từ nghiên cứu, thiết kế đến sản xuất. Trong 1 năm vừa qua, hơn 300 trạm gNodeB 8T8R và 10 trạm gNodeB 32T32R đã được triển khai tại 4 tỉnh, thành phố là: Hà Nam, Hà Nội, Đà Nẵng, Ninh Thuận. Các trạm hoạt động ổn định, đảm bảo thông suốt mạng lưới. Thời gian tới, các sản phẩm Trạm gốc 5G sẽ tiếp tục được hoàn thiện để đáp ứng nhu cầu chuyển đổi số của Việt Nam, hướng đến đưa sản phẩm công nghệ “Made in Vietnam” vươn tầm quốc tế.