Phát biểu tại diễn đàn, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế Nguyễn Thanh Bình nhấn mạnh, địa phương xác định khởi nghiệp đổi mới sáng tạo là nội hàm quan trọng trong việc thúc đẩy tỉnh trở thành trung tâm khoa học và công nghệ của miền Trung và cả nước. Tuy nhiên, quá trình triển khai vẫn gặp nhiều khó khăn, phong trào khởi nghiệp đổi mới sáng tạo chưa xứng với tiềm năng, lợi thế của địa phương. Thông qua diễn đàn này, tỉnh mong muốn các chuyên gia trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm về công nghệ, thúc đẩy hình thành tư duy đổi mới sáng tạo mở, thúc đẩy đổi mới sáng tạo thông qua sáng kiến công nghệ; thu hút nguồn lực chuyên gia, trí thức, doanh nhân trong nước, người Việt Nam ở nước ngoài.
Tại diễn đàn các chuyên gia, doanh nghiệp, các trưởng làng, đồng trưởng làng công nghệ quốc gia đã chia sẻ, lan tỏa những kinh nghiệm để thúc đẩy phát triển hệ sinh thái đổi mới sáng tạo; đồng thời đóng góp nhiều giải pháp nhằm khai thác tiềm năng, kết nối, hội tụ nguồn lực đặc biệt là các nguồn lực xã hội từ các làng công nghệ để phát triển khởi nghiệp đổi mới sáng tạo. Diễn đàn lần này cũng là cơ hội để tỉnh Thừa Thiên - Huế quảng bá hình ảnh, tiềm năng của địa phương, trong đó có tiềm năng về khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, tạo nên mối liên kết chặt chẽ trong hệ thống đổi mới sáng tạo vùng và quốc gia.
Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Bùi Thế Duy cho biết, cùng với việc thúc đẩy hình thành các doanh nghiệp khởi nghiệp, tỉnh Thừa Thiên - Huế quan tâm tạo ra không gian sống, nhưng điều kiện để thu hút nhân tài, các doanh nghiệp khởi nghiệp về với Huế. Địa phương cần kết hợp cổ điển và hiện đại để phát triển bền vững.
Cục trưởng Cục Phát triển thị trường và Doanh nghiệp Khoa học công nghệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) Phạm Hồng Quất cho rằng, Thừa Thiên - Huế đã chủ động ban hành Đề án Cố đô Khởi nghiệp giai đoạn 2021-2025. Chúng ta có thể tận dụng nguồn lực có sẵn nhưng cần thiết phải xây dựng được mạng lưới cố vấn đồng hành cùng địa phương để có những giải pháp thực hiện phù hợp hơn. Bên cạnh đó, tỉnh cũng dành những nguồn lực nhất định cho Sở Khoa học và Công nghệ kết nối với các trưởng làng công nghệ và mạng lưới cố vấn toàn cầu để triển khai một số khoá đào tạo, tập huấn cả về kết nối kinh doanh và kết nối đầu tư, để giải quyết những câu chuyện cụ thể, từ đó đưa ra những sản phẩm khởi nghiệp mang tính toàn cầu.
Tại diễn đàn lần này, tỉnh đã ra mắt Làng Công nghệ quốc gia Trí tuệ nhân tạo (AI) tại Thừa Thiên - Huế, do ông Bùi Quang Vũ, Quyền Chủ tịch Hội đồng Trường Đại học Khoa học (Đại học Huế) làm Trưởng làng. Việc hình thành Làng công nghệ trí tuệ nhân tạo sẽ mở đầu cho xu hướng mới, một cổng kết nối quốc tế đến với Việt Nam, giúp tìm kiếm những tài năng của Việt Nam đến những sân chơi lớn đồng thời lan tỏa, góp phần đưa công nghệ trí tuệ nhân tạo từng bước ứng dụng vào cuộc sống.
Dịp này, cũng đã diễn ra Ký kết thỏa thuận hợp tác giữa tỉnh Thừa Thiên - Huế và Quỹ Khởi nghiệp Doanh nghiệp Khoa học và Công nghệ Việt Nam giai đoạn 2022-2027; trưng bày giới thiệu một số sản phẩm của các làng công nghệ tiêu biểu.