Thúc đẩy khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo - Bài 1: Kim chỉ nam trong hoạt động

Trong văn kiện Đại hội Đảng XII, Đảng ta đã đưa khoa học và công nghệ lên tầm mức mới với khẳng định “Khoa học và công nghệ thực sự là quốc sách hàng đầu”, “Khoa học và công nghệ là động lực quan trọng nhất để phát triển lực lượng sản xuất hiện đại” và những quan điểm này tiếp tục được tái khẳng định trong Văn kiện Đại hội Đảng XIII.

Tại Hội nghị tổng kết công tác năm 2021 và triển khai nhiệm vụ công tác năm 2022 của Bộ Khoa học và Công nghệ mới diễn ra, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam nhấn mạnh khoa học và công nghệ có vai trò quan trọng nhưng đánh giá những đóng góp của ngành cần nhìn cả quá trình chứ không chỉ sau một vài năm hay một số sự kiện nổi bật. Phóng viên Thông tấn xã Việt Nam thực hiện chùm bài viết về nhìn lại những kết quả nổi bật của ngành khoa học và công nghệ trong năm 2021.

Chú thích ảnh
Các diễn giả tại Chương trình Dấu ấn Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia. Ảnh: Dương Giang/TTXVN

Bài 1: Khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo - Kim chỉ nam và phương châm hành động

Năm 2021 là năm đầu Chính phủ nhiệm kỳ 2021-2026 và triển khai Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng; Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội 10 năm 2021-2030 và Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm 2021-2025, trong bối cảnh dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, Bộ Khoa học và Công nghệ đã xây dựng và ban hành các Chương trình kế hoạch hành động cụ thể hóa các định hướng, mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội thành các nhiệm vụ, giải pháp cụ thể, đồng bộ nhằm đưa khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo đóng góp ngày càng hiệu quả vào nâng cao năng suất, chất lượng, sức cạnh tranh của nền kinh tế trong điều kiện bình thường mới.

Nâng cao tiềm lực, thúc đẩy khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo

Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Lê Xuân Định nhấn mạnh: Khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo đã đóng góp hiệu quả trong nâng cao năng suất, chất lượng, tăng khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp, phát triển kinh tế, trong đó, chỉ số giá trị sản phẩm công nghệ và sản phẩm ứng dụng công nghệ cao đạt trên 50% GDP. Cơ chế, chính sách về khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo là định hướng lớn trong năm 2021 đã từng bước được hoàn thiện, tạo hành lang pháp lý thúc đẩy mạnh mẽ hoạt động này như: Đề án "Phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học phục vụ phát triển đất nước trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4"; tiếp tục hoàn thiện "Chiến lược phát triển khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo giai đoạn 2021-2030; hoàn thiện hành lang pháp lý để triển khai việc tái cơ cấu các chương trình khoa học và công nghệ quốc gia giai đoạn 2021-2025 và định hướng đến năm 2030; nâng cao năng lực tiếp cận cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4, triển khai các nhiệm vụ năm 2022 thuộc Chương trình khoa học và công nghệ trọng điểm cấp quốc gia "Chương trình hỗ trợ doanh nghiệp nghiên cứu, phát triển và ứng dụng công nghệ của công nghiệp 4.0 giai đoạn 2019-2025"; Chương trình quốc gia phát triển công nghệ cao đến năm 2030; Chiến lược nghiên cứu và phát triển trí tuệ nhân tạo đến năm 2030...

Việc huy động kinh phí ngoài ngân sách nhà nước để triển khai hoạt động khoa học và công nghệ tiếp tục được quan tâm thực hiện, tỉ trọng đầu tư giữa Nhà nước và doanh nghiệp được cải thiện theo chiều hướng tích cực. Tiềm lực khoa học và công nghệ quốc gia tiếp tục được tăng cường. Việc nghiên cứu, nâng cao năng lực tiếp cận cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư được quan tâm triển khai ở các bộ, ngành, địa phương, góp phần tăng cường tiềm lực khoa học và công nghệ quốc gia; nhiều thành tựu khoa học và công nghệ hiện đại được ứng dụng nhanh chóng và rộng rãi trong các lĩnh vực y tế, nông nghiệp, công nghiệp, thông tin...; hoạt động xúc tiến hỗ trợ tìm kiếm, trao đổi, chuyển giao công nghệ được đẩy mạnh.

Quy hoạch mạng lưới tổ chức khoa học và công nghệ công lập giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 được thực hiện và xây dựng cơ chế tự chủ đặc thù trong giai đoạn tới. Trước đó, Bộ Khoa học và Công nghệ đã đẩy mạnh việc chuyển đổi tổ chức khoa học và công nghệ sang cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm, một số tổ chức khoa học và công nghệ tiên tiến tầm quốc tế đã được thành lập cả ở khu vực công và tư. Đồng thời, đẩy mạnh triển khai hiệu quả quy định về phân cấp, phân quyền trong lĩnh vực khoa học và công nghệ.

Chú thích ảnh
Đại biểu tham quan các gian hàng trưng bày sản phẩm về công nghệ sinh học tại Hội chợ Công nghệ và Thiết bị chuyên ngành công nghệ sinh học. Ảnh: Minh Quyết/TTXVN

Hệ thống cơ sở dữ liệu khoa học quốc gia của Việt Nam với phương châm "sống, đủ, sạch" đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu tra cứu thông tin, kết quả thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ phục vụ quản lý và nghiên cứu; chất lượng thông tin thư viện, thống kê khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo tiếp tục được nâng lên, có sự đổi mới, góp phần đắc lực cho sự nghiệp phát triển khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo của ngành. Cơ sở dữ liệu về công nghệ, chuyên gia công nghệ, các tổ chức trung gian của thị trường khoa học và công nghệ đã từng bước đáp ứng nhu cầu đổi mới công nghệ của doanh nghiệp trong phát triển kinh tế - xã hội. Bên cạnh đó, các hoạt động thông tin công nghệ, hoạt động techmart online (chợ công nghệ và thiết bị), cơ sở dữ liệu công nghệ chào bán, công nghệ tìm mua, chuyên gia tư vấn công nghệ... thường xuyên được cập nhật trên trang thông tin điện tử http://techmartvietnam.vn. Cơ sở dữ liệu quốc gia về sở hữu công nghiệp từng bước được hoàn thiện, năm 2021 đã hoàn thành giai đoạn 1-2 và đang triển khai giai đoạn 3 theo hình thức trực tuyến...

Năm 2021, dịch COVID-19 diễn biến phức tạp nhưng với mục tiêu không gián đoạn hoạt động hợp tác quốc tế, Bộ Khoa học và Công nghệ chủ động triển khai các giải pháp theo hướng ưu tiên hợp tác trong khuôn khổ song phương và đa phương, đẩy mạnh hoạt động hợp tác giữa các tổ chức nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ trong nước với các đối tác nước ngoài; mở rộng các hoạt động hợp tác quốc tế về khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo với các đối tác chiến lược của Việt Nam. Hướng tới thiết lập mối quan hệ đối tác ưu tiên về đổi mới sáng tạo với Thụy Sĩ, nhân chuyến thăm của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc tới Thụy Sĩ, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ đã có cuộc gặp bên lề với bà Quốc vụ Khanh phụ trách các vấn đề giáo dục, nghiên cứu và đổi mới sáng tạo của Thụy Sĩ. Năm 2022, hai bên sẽ cụ thể hóa các sáng kiến hợp tác tiến tới ký kết Hiệp định giữa hai Chính phủ.

Vượt qua thách thức dịch COVID-19

Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ cho biết: Năm 2021 là năm diễn biến dịch COVID-19 phức tạp và khó lường, Bộ đã chú trọng thúc đẩy hoạt động ứng dụng, đổi mới công nghệ, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, tận dụng một cách hiệu quả thành tựu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4.Việc đưa ứng dụng công nghệ 4.0 vào quá trình sản xuất, quản trị doanh nghiệp, thực hiện chuyển đổi số, từng bước phát triển sản xuất thông minh... trở thành giải pháp cấp bách có tính sống còn để giúp mỗi doanh nghiệp, đơn vị vượt qua thách thức của dịch COVID-19, phát triển bền vững trong trạng thái bình thường mới.

Chú thích ảnh
Ứng dụng công nghệ cao giúp phát triển nông nghiệp an toàn, thân thiện môi trường. Ảnh minh họa: TTXVN

Trong năm 2021, phối hợp với các bộ, ngành tập trung vào việc xây dựng những định hướng ưu tiên lớn gắn với phát triển các ngành công nghiệp mũi nhọn, nền tảng công nghiệp công nghệ cao nhằm thực hiện mục tiêu công nghiệp hóa - hiện đại hóa đất nước; đẩy mạnh nghiên cứu, chuyển giao tiến bộ, ứng dụng khoa học và công nghệ trong toàn bộ các khâu của chuỗi sản xuất giống, quy trình canh tác, bảo quản, chế biến... công nhận được 54 giống cây trồng, vật nuôi, thủy sản được chuyển giao cho các doanh nghiệp làm tăng đáng kể năng suất và chất lượng của sản xuất nông nghiệp; nhiều tiến bộ kỹ thuật công nghệ mới được nghiên cứu, chuyển giao... đã nâng cao hiệu quả của sản xuất tối thiểu từ 10-15% đáp ứng yêu cầu thực tiễn sản xuất sản phẩm nông nghiệp đảm bảo tiêu chuẩn về an toàn thực phẩm, sản xuất bền vững, an toàn với môi trường. Nhiều sản phẩm nông nghiệp chủ lực quốc gia có hàm lượng khoa học và công nghệ cao, ứng dụng khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo trong tất cả các khâu từ sản xuất giống, nuôi trồng, chế biến...

Bên cạnh đó, công tác ứng dụng kỹ thuật hạt nhân phục vụ phát triển kinh tế - xã hội tiếp tục được đẩy mạnh với việc sản xuất và cung cấp đồng vị phóng xạ, dịch vụ phân tích mẫu, kiểm chuẩn thiết bị, đánh giá tác động môi trường, sản xuất và cung cấp các chế phẩm phục vụ nông nghiệp, chứng nhận sản phẩm, VietGap, GlobalGap...

Nhằm thích ứng với tình hình dịch COVID-19 và phát triển trong trạng thái bình thường mới, năm 2021, Bộ Khoa học và Công nghệ đã tập trung thực hiện kế hoạch chuyển đổi số giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030; rà soát các phương án cắt giảm, đơn giản hóa các quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh thuộc phạm vi quản lý của Bộ. Đồng thời,  ngành đẩy mạnh tin học hóa hoạt động quản lý nhà nước về khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo với việc toàn bộ công tác chỉ đạo, điều hành và xử lý công việc của Bộ được thực hiện hoàn toàn trên môi trường điện tử, triển khai quyết liệt các giải pháp để cung cấp 100% dịch vụ công trực tuyến mức độ 4; tiếp nhận, giải quyết và trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính trên Cổng dịch vụ công quốc gia...

Bài 2: Hình thành thế hệ doanh nghiệp mới

HL (TTXVN)
Thành lập Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao Quảng Ninh
Thành lập Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao Quảng Ninh

Phó Thủ tướng Lê Văn Thành ký Quyết định số 2263/QĐ-TTg thành lập và ban hành Quy chế hoạt động của Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao Quảng Ninh.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN