Ngoài việc bị mất thính lực, nhà soạn nhạc cổ điển nổi tiếng Beethoven còn liên tục tái phát các vấn đề về đường tiêu hóa, trải qua hai đợt bệnh vàng da và chịu đựng bệnh gan nặng. Trước đây, các nhà khoa học đều cho rằng Beethoven qua đời do bệnh gan và thận ở tuổi 56. Quá trình tìm hiểu nguyên nhân gây ra những bệnh mà ông mắc phải được cho là phức tạp và ngay cả chính nhà soạn nhạc người Đức này cũng đã từng kỳ vọng các bác sĩ có thể tìm ra câu trả lời cho những vấn đề mà ông mắc phải.
Khoảng 10 năm trước đây, nhằm thực hiện một phần nguyện vọng của Beethoven, một nhóm nhà khoa học quốc tế đã nghiên cứu những lọn tóc của ông. Bằng cách sử dụng phương pháp phân tích ADN, nhóm đã xác định được lọn tóc thực sự là của nhà soạn nhạc tài ba, nhờ đó có thể giải trình bộ gene của ông.
Trong báo cáo công bố vào tháng 3/2023, nhóm này nhận định nhiều khả năng Beethoven mắc bệnh gan do yếu tố di truyền và bị nhiễm virus viêm gan B trước khi qua đời. Tuy nhiên, phát hiện này không cung cấp thông tin về nguyên nhân khiến nhà soạn nhạc bị điếc từ năm 20 tuổi hay nguyên nhân khiến ông mắc phải các vấn đề về đường tiêu hóa.
Do vậy, công trình nghiên cứu mới nhất đã sử dụng 2 phương pháp khác nhau để tìm kiếm dấu vết của độc tố trên hai lọn tóc được xác thực là của Beethoven có tên là lọn tóc Bermann, được dự đoán cắt từ cuối năm 1820 - tháng 3/1827, và lọn tóc Halm-Thayer mà Beethoven đã trao cho nghệ sĩ piano Anton Halm vào tháng 4/1826. Theo đó, các nhà nghiên cứu đã phát hiện hàm lượng chì ở 2 mẫu tóc trên cao lần lượt gấp 64 lần và 95 lần so với mức thông thường.
Ngoài nồng độ chì cao, các nhà khoa học cũng phát hiện ra có hàm lượng asen và thủy ngân vẫn còn tồn tại trên tóc của nhà soạn nhạc gần 200 năm sau khi ông qua đời, vào cao hơn khoảng từ 13 - 14 lần so với mức thông thường.
Giáo sư Nader Rifai thuộc Đại học Y Harvard cho biết những số liệu này đã cho thấy Beethoven bị nhiễm độc chì. Ông nhấn mạnh một người bị nhiễm độc chì ở mức này sẽ phải nhập viện ngay và trải qua liệu pháp chellation - phương pháp loại bỏ độc tố và kim loại nặng ra khỏi cơ thể bệnh nhân bằng cách tiêm vào tĩnh mạch một chất chống oxy hóa mạnh được gọi là acid ethylenediaminetetraacetic (EDTA).
Các tác giả nghiên cứu viết hàm lượng chì ở mức cao được phát hiện trong tóc của Beethoven thường liên quan đến các bệnh về đường tiêu hóa và thận cũng như suy giảm thính lực, nhưng không được coi là cao đến mức dẫn đến tử vong. Ông William Meredith, học giả về Beethoven, đồng tác giả nghiên cứu của nghiên cứu phân tích gene hồi năm 2023 và thành viên nhóm nghiên cứu mới nhất, nhận định rằng các nhà nghiên cứu không có mẫu tóc từ thời Beethoven còn sống nên không thể biết được thời điểm ông bị ngộ độc chì.
Các tác giả nghiên cứu cho rằng ngộ độc chì là không phải nguyên nhân duy nhất gây ra cái chết hoặc chứng điếc của Beethoven. Tuy nhiên, nghệ sĩ người Đức này đã trải qua các triệu chứng nhiễm độc chì trong suốt cuộc đời, bao gồm mất thính lực, chuột rút và những bất thường ở thận.