Hiện nay, ở nước ta, các loại gia vị chủ yếu được sử dụng ở dạng tươi, một số sản phẩm gia vị đã được chế biến khô nhưng công nghệ rất thô sơ, chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm không cao, dẫn đến thời gian bảo quản không lâu, hiệu quả kinh tế thấp.
Do đó, đề tài “Nghiên cứu thiết kế, chế tạo hệ thống thiết bị sản xuất thử nghiệm các tinh dầu, dầu gia vị” của TS Đặng Xuân Hảo được Công ty cổ phần Tinh dầu thơm và chất thơm (Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam) thực hiện đang nhận được sự quan tâm của nhiều người.
Khẳng định ưu thế “công nghệ”
Các cây gia vị để sản xuất tinh dầu, dầu gia vị thường là những cây trồng ngắn ngày, theo mùa, thời gian thu hoạch ngắn. Do đó, cần thu hoạch đúng thời điểm để nâng cao giá trị sản phẩm, việc thu hoạch không đúng mùa vụ thì sản lượng và chất lượng thấp. Vì thế, yêu cầu về công nghệ để chế biến và sản xuất tinh dầu là rất quan trọng. TS Đặng Xuân Hảo cho biết: Đối với nghệ củ thì một nhân công chỉ gọt được 10 kg củ/ngày, nhưng khi đưa máy móc theo gợi ý của đề tài nghiên cứu, chế tạo thì có thể gọt được 150 kg củ nghệ/giờ.
Không chỉ nhanh hơn về số lượng mà chất lượng nghệ gọt bằng máy cũng cao hơn hẳn. Cùng với đó, rửa nghệ bằng máy cũng đạt được nhiều ưu điểm vượt trội như: Máy có thể rửa được 500 kg/giờ (trong khi rửa thủ công chỉ đạt năng suất bằng 1/5 so với rửa máy), tiết kiệm được chi phí lớn về nhân công, đồng thời mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người sử dụng.
Cũng theo đề tài nghiên cứu này, việc thực hiện công đoạn sấy sử dụng năng lượng mặt trời thông qua bộ góp phẳng gia nhiệt không khí và bơm nhiệt chu trình kín sẽ giúp tiết kiệm năng lượng, chất lượng sản phẩm cao hơn do sấy nhanh ở nhiệt độ thấp. Đặc biệt, nhóm nghiên cứu còn thực hiện quá trình bốc hơi dung môi trong thiết bị bốc hơi màng chảy xuống nhằm làm tăng năng suất.
Máy sấy nguyên liệu củ của đề tài đã tiết kiệm được hàng chục triệu đồng tiền thuê nhân công phơi sấy. Cụ thể, nếu phơi sấy bằng ánh nắng mặt trời thì một tấn nghệ cần 300 m2 diện tích phơi và hàng chục nhân công phụ trách trong khoảng 3 ngày nắng to nhưng với việc áp dụng công nghệ phơi sấy của TS Đặng Xuân Hảo thì chỉ cần 1 đến 2 nhân công thực hiện trong 2 giờ.
TS Trần Việt Hùng, Phó Chủ tịch Liên hiệp các hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam; Chủ nhiệm chương trình KC.05/06 - 10 nhấn mạnh: Trước đây, đã có một số công trình nghiên cứu về gia vị, tinh dầu và dầu nhựa gia vị, song chủ yếu trong khu vực sinh học, dược học và hóa học. Việc nghiên cứu công nghệ và thiết bị chế biến gia vị mới ở mức thô sơ hoặc dừng lại trong phòng thí nghiệm.
Nhưng, đề tài của TS. Đặng Xuân Hảo đã có nhiều yếu tố mới, mang tính thực tiễn cao, có thể ứng dụng rộng rãi, các thiết bị công nghệ của đề tài đều được chế tạo trong nước, dễ sử dụng, dễ thay thế, giá rẻ. Đáng chú ý, nếu đề tài được tiếp tục thực hiện dưới dạng dự án sản xuất thử nghiệm thì sẽ có hiệu quả cao hơn.
“Loay hoay” thương mại hóa
Hiện nay, Công ty cổ phần Tinh dầu thơm và chất thơm đã ứng dụng đề tài của TS Đặng Xuân Hảo để sản xuất bột nghệ do bột nghệ đã có thị trường tiêu thụ. Khi đưa đề tài ứng dụng vào thực tế, lợi thế thu được là quá trình sản xuất không chỉ thu về tinh bột nghệ mà có thể còn cho ra đời các sản phẩm tinh dầu thực phẩm từ gừng, quế, hạt tiêu, cùng các sản phẩm dầu nhựa như: Dầu gừng, dầu hạt tiêu... TS Đặng Xuân Hảo cho biết: “Năm 2009, Công ty cổ phần Tinh dầu thơm và chất thơm đã chế biến được 15 tấn bột nghệ, với giá 320.000 đồng/kg và khoảng 20 - 30 kg tinh dầu với giá 3.000.000 đồng/kg”.
Năm 2010, Công ty đã từng bước đưa sản phẩm ra thị trường, nhưng vấn đề khó khăn nhất là tạo được thị trường ổn định trong khi giá cả đầu vào nguyên liệu biến động. Cùng với nâng cao chất lượng cũng cần quảng bá, xây dựng thương hiệu để thay đổi thói quen tiêu dùng của người dân từ việc sử dụng sản phẩm tươi sang sử dụng sản phẩm gia vị tinh chế với chất lượng cao.
TS Đặng Xuân Hảo chia sẻ: Hiện nay, Công ty cổ phần Tinh dầu thơm và chất thơm mới chỉ sản xuất sản phẩm bột nghệ và tinh dầu nghệ trong phạm vi nhỏ, chưa có sự thương mại hóa nên sản phẩm chưa được biết đến rộng rãi. Nhưng thời gian gần đây, việc khách hàng tìm mua bột nghệ đã tách bớt tinh dầu và tinh dầu gừng ngày một tăng là tín hiệu tích cực hứa hẹn đầu ra cho sản phẩm.
Vì vậy, để tiến hành thương mại hóa, sản xuất trên quy mô lớn, công ty đã chú trọng tới việc hình thành vùng nguyên liệu tập trung chất lượng tốt, năng suất cao và ổn định. Tuy nhiên, do không có điều kiện tài chính để phát triển ngay vùng nguyên liệu nên công ty sẽ hỗ trợ kỹ thuật về mặt giống, cách trồng, chăm sóc, công nghệ và thiết bị cho các khách hàng có khả năng sản xuất nguyên liệu trên quy mô lớn. Cùng với đó, công ty sẽ ký hợp đồng bao tiêu hết sản phẩm đảm bảo chất lượng của nhà cung cấp để sản xuất sản phẩm tinh dầu, dầu gia vị cung cấp cho thị trường.
Việc tiếp tục ứng dụng công nghệ để cho ra đời một sản phẩm công nghệ cao phục vụ đời sống không phải là việc làm quá khó đối với các nhà khoa học. Tuy nhiên, điều đáng nói ở đây là làm cách nào thương mại hóa các sản phẩm đó, giúp các sản phẩm đến tay người tiêu dùng vẫn luôn là bài toán trăn trở của những nhà khoa học Việt Nam.
Phương Hoàn – Hoàng Linh