Trả lời câu hỏi của phóng viên TTXVN tại Moskva về khả năng mua và sử dụng trực thăng ở Việt Nam, ông Boginsky cho biết Việt Nam có lợi thế là đã có một trung tâm sửa chữa và bảo dưỡng của Rusian Helicopters, tuy nhiên trung tâm này chưa có nhiều hoạt động. Điều quan trọng là hai nước cần hợp tác chặt chẽ với nhau trong lĩnh vực này.
Theo ông Boginsky, Rusian Helicopters đã có kinh nghiệm thành công tại Hàn Quốc, Peru, Thái Lan, Đài Loan (Trung Quốc) khi lập các trung tâm sửa chữa bảo dưỡng và tiêu thụ linh kiện tại các nước và vùng lãnh thổ này.
Đề cập đến 2 dòng trực thăng chủ lực mà Rusian Helicopters đang xuất xưởng là Mi-171 và Ansat, ông Boginsky cho rằng Việt Nam nên sử dụng cả 2 dòng trực thăng này, trong đó trực thăng Ansat với khả năng hạ cánh trên mặt nước trong trường hợp khẩn cấp, có thể sử dụng để chở khách hoặc cấp cứu.
Mới đây, Rusian Helicopters cũng đã thử nghiệm lắp giá bên ngoài để chở hàng cho loại máy bay này và đã thành công. Còn với dòng trực thăng Mi171A2 mới chở được 24 hành khách có thể chuyển đổi để chở hàng hoặc làm máy bay cứu thương.
Cũng theo ông Boginsky, Rusian Helicopters đang nỗ lực đưa ra các dòng máy bay có thể dễ dàng chuyển đổi công năng để tăng sự hấp dẫn đối với khách hàng.
Ông Boginsky cho biết hiện nay Phòng thiết kế VR Technology của Rusian Helicopters đã phát triển các trực thăng không người lái VRT500 với trọng lượng nâng tối đa 600 kg và VRT300 với trọng lượng nâng tối đa 300 kg. Trong năm nay hoạt động phát triển các trực thăng không người lái này sẽ hoàn tất và đến năm 2022 sẽ cung cấp hàng loạt máy bay này.