Giáo sư, Tiến sỹ Phạm Tiết Khánh, Chủ tịch Hội đồng Trường Đại học Trà Vinh cho biết, theo tính toán, khi đưa ra thị trường, dừa sáp cấy mô có giá bán dưới 100.000 đồng/cây giống, trong khi giống dừa sáp cấy phôi hiện nay có giá từ 700.000 - 1.200.000 đồng/cây tùy nơi sản xuất. Tại Trường, giống dừa sáp cấy phôi có giá từ 700.000 - 800.000 đồng/cây tùy số lượng đặt hàng. Vì vậy, khi giống dừa cấy mô được thương mại hóa, nhà vườn sẽ giảm đáng kể chi phí cây giống, cùng với đó là nguồn giống đảm bảo chất lượng, đáp ứng yêu cầu thị trường xuất khẩu.
Bí thư Tỉnh ủy Trà Vinh Ngô Chí Cường thông tin, sau cây lúa, dừa là cây trồng thế mạnh của tỉnh nhờ thích ứng biến đổi khí hậu, chịu được hạn, mặn, mưa, bão... Hiện nay, tỉnh đang tập trung nhiều giải pháp để nâng cao giá trị cho ngành hàng dừa, đặc biệt là dừa sáp - loại dừa đang chiếm vị thế “độc tôn”, “ông hoàng” đặc sản của tỉnh.
Cùng với việc quy hoạch vùng trồng, khuyến khích nhà vườn cải tạo các vườn dừa sáp lão hóa năng suất thấp, tỉnh đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại, phát triển liên kết giữa doanh nghiệp với các hộ trồng để thắt chặt liên kết từ sản xuất, chế biến sâu đến tiêu thụ, hướng đến xuất khẩu. Tỉnh phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ liên kết với các nhà khoa học ở Nhật Bản, Hàn Quốc nghiên cứu tính khả thi việc sử dụng dừa sáp trong lĩnh vực mỹ phẩm, dược phẩm…
Ông Ngô Chí Cường yêu cầu, Trường Đại học Trà Vinh đẩy nhanh tiến độ nghiên cứu, dự toán nguồn kinh phí cụ thể để hoàn thiện, triển khai các bước cần thiết nhằm thương mại hóa nhân giống dừa sáp bằng công nghệ cấy mô để tỉnh bố trí. Trong quá trình nghiên cứu, trường chú trọng chất lượng, sản xuất nguồn giống đảm bảo đạt chuẩn về trọng lượng, kích cỡ và độ sáp.
Việc nghiên cứu thành công sẽ giúp tỉnh mở rộng diện tích trồng dừa sáp, phát triển vùng chuyên canh đảm bảo chất lượng, tạo nguồn nguyên liệu tập trung đáp ứng thị trường xuất khẩu. Nhà vườn sẽ tiếp cận nguồn giống dừa sáp chất lượng với chi phí thấp để cải tạo vườn dừa sáp lão hóa, năng suất kém, nâng cao hiệu quả sản xuất, cải thiện thu nhập, phát triển bền vững ngành dừa sáp của tỉnh.
Phó Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Minh Hòa, Hiệu trưởng Trường Đại học Trà Vinh cho biết, đề tài “Nghiên cứu nhân giống dừa bằng công nghệ nuôi cấy mô tế bào và kỹ thuật thâm canh dừa trồng giống nuôi cấy mô” giai đoạn 1 được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cấp kinh phí cho trường thực hiện từ năm 2017.
Trường Đại học Trà Vinh và nhóm nghiên cứu của Phòng thí nghiệm trọng điểm quốc gia về nuôi cấy mô tế bào thực vật (Viện Di truyền Nông nghiệp) đã tạo cây giống dừa sáp nuôi cấy mô thông qua sự hình thành phôi vô tính. Sau 3 năm trồng khảo nghiệm, cây sinh trưởng tốt và đã bắt đầu cho những quả dừa sáp đầu tiên đạt chuẩn chất lượng. Trường Đại học Trà Vinh tiếp tục triển khai nghiên cứu ở giai đoạn 2 nhằm hoàn thiện quy trình, nâng hệ số nhân giống, tạo cây giống có chất lượng cao, đồng đều về mặt di truyền và triển khai sản xuất cây giống dừa sáp cấy mô ở quy mô công nghiệp.
Do đặc tính di truyền, trái dừa sáp không thể nảy mầm trong điều kiện tự nhiên. Vì vậy, việc trồng cây giống bằng phương pháp nhân giống truyền thống từ trái dừa không sáp cho tỷ lệ quả dừa sáp tối đa 25%/buồng. Trường Đại học Trà Vinh đã nghiên cứu thành công quy trình nuôi cấy phôi dừa sáp và đưa vào thương mại hóa từ năm 2011. Mỗi năm cung cấp cho thị trường khoảng 5.000 cây giống dừa sáp cấy phôi với giá bán từ 700.000 - 800.000 đồng/cây giống, tỷ lệ trái sáp đạt trên 85%/buồng (cao hơn từ 3 - 4 lần so với giống truyền thống). Tuy nhiên do giá cây giống quá cao nên người dân gặp khó khăn trong đầu tư, cải tạo vườn dừa.
Trà Vinh hiện có 1.277,6 ha trồng dừa sáp nhưng diện tích trồng giống dừa cấy phôi chỉ khoảng 31 ha. Do đó, việc nhân giống thành công sẽ giúp nhà vườn mạnh dạn cải tạo các vườn dừa sáp già cỗi để nâng cao hiệu quả sản xuất.