Đó là một giả thuyết mới sau khi các nhà khoa học đi tìm lời giải cho câu hỏi: Cái gì tạo ra gió?
Khu rừng đậm đặc hơi nước đang tạo ra một cơn bão. |
Chúng ta đều biết rằng sự chênh lệch về nhiệt độ là nguồn gốc của gió: Không khí nóng bốc lên cao và được thay thế bởi không khí lạnh hơn.
Nhưng chuyện gì sẽ xảy ra nếu gió không được tạo ra theo cách đó mà được hình thành phần lớn từ lượng hơi nước có trong không khí?
Những cánh rừng mưa là nơi tạo ra lượng ẩm lớn trong không khí nhờ quá trình nước bốc hơi hay thoát ra từ cây cối.
Các nhà vật lý học và những người bảo vệ rừng ủng hộ giả thuyết mới này cho rằng nếu đốn hạ những cánh rừng mưa, Trái Đất sẽ mất đi cả gió lẫn những cơn mưa mà chúng mang theo.
Khi hơi nước ngưng tụ thành các giọt nước, áp suất không khí xung quanh nó sẽ giảm đi do mật độ hơi nước giảm đi trong khi thể tích không đổi. Không khí xung quanh di chuyển vào. Sự di chuyển này tạo ra gió.
Khoa học đã chỉ ra các cánh rừng tái tạo các cơn mưa thông qua sự bốc hơi nước và thoát hơi nước. Nhưng đây là giả thuyết đầu tiên chỉ ra rằng quá trình tái tạo đó đồng thời còn tạo ra gió. Những cơn gió này, sau đó sẽ mang khí ẩm đại dương đến các lục địa.
Nếu giả thuyết vẫn còn đang gây tranh cãi này là đúng, thì tác động của việc mất các cánh rừng mưa sẽ vô cùng to lớn.
Theo các giả thuyết thông thường, nếu các cánh rừng mất đi thì lượng mưa ở các khu vực lục địa nằm cách xa biển sẽ giảm 10 đến 30%. Nhưng theo giả thuyết này, lượng mưa sẽ giảm xuống 90% hoặc thậm chí nhiều hơn thế.
Tuy vậy, giả thuyết này cũng cho hay nếu các cánh rừng được trồng lại thì lượng gió tạo ra bởi các khu rừng tái sinh có khả năng mang mưa tới những vùng đất khô cằn nhất.
6000 năm trước, sa mạc Sahara từng là một mảnh đất cây cối um tùm và ẩm ướt. Nếu vậy, như Albert Eistein đã từng nói, không gì là không thể xảy ra.
A.M (Theo New Scientist)