Các nhà khoa học tại Đại học California-Berkeley (UC Berkeley) đã thiết kế các thử thách vượt chướng ngại vật để hiểu rõ hơn cách mà loài sóc tính toán và điều chỉnh động tác trong quá trình bay và hạ cánh giúp chúng thoát khỏi nanh vuốt kẻ săn mồi và tránh những cú ngã nguy hiểm.
Trong nghiên cứu, các nhà khoa học đã tiến hành thử nghiệm đối với những con sóc rừng ở gần khuôn viên trường UC Berkeley. Theo đó, những con sóc phải nhảy chuyền cành với các khoảng cách và điều kiện khác nhau như cành cong mềm và diều hâu truy đuổi. Phần thưởng khuyến khích chúng thực hiện thử thách là những hạt lạc.
Kết quả cho thấy không có con sóc nào bị ngã trong lúc nhảy do chúng vận dụng nhiều “chiến thuật” khác nhau. Đặc biệt, trong một số thử thách khó nhằn nhất, một số con sóc không nhảy thẳng đến những cành cây mà nhảy bật sang một bức tường gần đó để lấy đà cho bước nhảy tiếp theo. Động tác này còn gọi là “parkour”, tức là cách loài sóc vận dụng để thực hiện các cú hạ cánh chuẩn xác trong những bước nhảy đầy thách thức.
Chuyên gia Nathan Hunt, Trưởng nhóm nghiên cứu, cho biết sóc có khả năng thực hiện những bước nhảy xa gấp nhiều lần chiều dài cơ thể nhờ hệ cơ khỏe. Ngoài ra, loài gặm nhấm này còn có khả năng nhận thức và ghi nhớ tốt, khả năng sáng tạo cao và rất giỏi trong việc giải quyết vấn đề.
Các nhà khoa học tin rằng kết quả nghiên cứu có thể giúp mở ra triển vọng phát triển các robot có khả năng chuyển động “nhanh như sóc” và ra quyết định chính xác.