Tờ Global Times đưa tin người đứng đầu nhóm nghiên cứu cho biết đây là công nghệ sinh học hiện đại duy nhất trên thế giới hiện nay có tiềm năng tiêu diệt các loài muỗi nhất định tại một khu vực cũng như kiểm soát sự lây truyền dịch bệnh.
Cụ thể, phương pháp này dùng phóng xạ hạt nhân để tiêu trừ khả năng sinh sản của muỗi đực. Sau khi được thả ra, những con đực vô sinh này sẽ giao phối với con cái ở ngoài tự nhiên nhưng không thể duy trì nòi giống.
Theo truyền thông địa phương, Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) đã khen ngợi nghiên cứu diệt muỗi do Trung tâm Phát triển và Nghiên cứu Công nghệ Hạt nhân - thuộc Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Trung Quốc – phối hợp cùng Đại học Sun Yat-sen.
Là một ví dụ về ứng dụng xanh trong cuộc sống của công nghệ hạt nhân, kỹ thuật dùng phát xạ để triệt sản thu được hiệu quả mạnh và lâu dài mà không gây ô nhiễm chất hoá học đối với các loài động vật khác, hay gây kháng thuốc ở loài muỗi.
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) ước tính các bệnh do muỗi gây ra đã khiến hơn 700.000 người tử vong mỗi năm.
Nam Phi thường xuyên hứng chịu các đợt bùng phát bệnh sốt rét nghiêm trọng khiến nhiều người thiệt mạng. Ông Zhang Dongjing, nhà nghiên cứu tại trung tâm trên, đã đến Johannesburg để hướng dẫn và hỗ trợ về công nghệ triệt sản muỗi. Theo ông Zhang, kỹ thuật này sẽ giúp giảm tỷ lệ người mắc bệnh.
Đại học Sun Yat-sen cũng đã thiết lập một “công xưởng muỗi” để sản xuất hàng loạt muỗi vô sinh. Với sản lượng kỳ vọng là 40 – 50 triệu con muỗi đực vô sinh mõi tuần, Trung Quốc có thể đóng góp nhiều hơn trong việc kiểm soát dịch bệnh do muỗi gây ra tại các nước đang phát triển, cũng như giải quyết những thách thức về chăm sóc sức khoẻ cộng đồng.