Dẫn lời phát biểu kỹ sư thiết kế trưởng Liu Jizhong tại một sự kiện thám hiểm không gian tổ chức tại tỉnh An Huy (Trung Quốc) vào tuần trước, đài truyền hình CNN cho biết tàu vũ trụ Thiên Vấn – 3 của nước này sẽ thực hiện hai lần phóng "vào khoảng năm 2028" để thu thập các mẫu vật từ sao Hỏa.
Mục tiêu triển khai sứ mệnh này dự kiến đạt được sớm hơn mục tiêu năm 2030 mà các quan chức đã công bố hồi đầu năm.
Một ưu tiên chính của tàu vũ trụ Thiên Vấn-3 là tìm kiếm dấu vết sự sống trên sao Hỏa. Ông Liu cho biết sứ mệnh này cũng sẽ cố gắng đạt được những đột phá về mặt kỹ thuật trong việc lấy mẫu bề mặt, cất cánh và bay lên từ bề mặt sao Hỏa. Trong một cuộc phỏng vấn khác với kênh truyền hình CGTN, ông Liu nhấn mạnh những thách thức liên quan đến sứ mệnh này, bao gồm hai lần phóng tên lửa, từ Trái Đất lên và một lần phóng tên lửa chưa từng có từ một hành tinh khác để mang về các mẫu vật.
Trung Quốc cũng sẽ hợp tác với các nước khác liên quan đến nhiệm vụ này, bao gồm việc mang theo tải trọng của các quốc gia khác và chia sẻ mẫu, dữ liệu, cũng như lập kế hoạch cho nghiên cứu sao Hỏa trong tương lai.
Những tuyên bố mới nhất cho thấy sự thay đổi trong kế hoạch khám phá sao Hoa được đưa ra sau thành công mang tính bước ngoặt của Trung Quốc khi thu thập các mẫu vật đầu tiên tại vùng xa Mặt Trăng vào tháng 6.
Nỗ lực này cũng diễn ra trong bối cảnh Cơ quan Hàng không và Vũ trụ Mỹ (NASA) và Cơ quan Vũ trụ Châu Âu đang đánh giá khả năng thu thập các mẫu vật từ sao Hỏa do lo ngại về ngân sách, tính phức tạp của nhiệm vụ và rủi ro. NASA, cơ quan đầu tiên hạ cánh thành công trên sao Hỏa cách đây nhiều thập kỷ, cho biết họ đang đánh giá việc triển khai các kế hoạch nhanh hơn và hợp lý hơn để có thể thực hiện nhiệm vụ vào năm 2040.
Việc trở thành quốc gia đầu tiên mang theo mẫu vật từ sao Hỏa trở về sẽ là một thành tựu đáng kể đối với chương trình không gian đầy tham vọng của Trung Quốc và ước mơ trở thành cường quốc vũ trụ.
Những tiến bộ của Trung Quốc - bao gồm các chuyến đi không người lái lên Mặt Trăng và thành lập trạm vũ trụ riêng - được thúc đẩy khi Mỹ và các quốc gia khác đẩy mạnh các chương trình không gian trong bối cảnh các nước chạy đua tiếp cận các nguồn tài nguyên và lợi ích khoa học của hoạt động thám hiểm ngoài vũ trụ.
Năm 2021, Trung Quốc đã thành công đưa tàu thăm dò Thiên Vấn-1 lên quỹ đạo sao Hoà và triển khai xe tự hành Zhurong lên bề mặt hành tinh này. Sự thành công của tàu Zhurong đã đưa Trung Quốc trở thành quốc gia thứ ba sau Liên Xô và Mỹ hạ cánh xuống sao Hoả - nơi cách Trái Đất hơn 30 triệu dặm.
Nhiệm vụ chính của xe tự hành Zhurong là tìm kiếm dấu hiệu của sự sống cổ đại và nghiên cứu khoáng sản, môi trường, sự phân bố của nước và băng trên sao Hoả. Dữ liệu trả về từ cuộc khảo sát ban đầu của tàu thám hiểm về lưu vực cho thấy lưu vực Utopia Planitia cách đây hàng chục triệu năm có chứa nước, mở ra hy vọng cho việc thiết lập sự sống trên Hành tinh Đỏ.
Năm 1976, Mỹ cũng lần đầu tiên hạ cánh con tàu thám hiểm Viking 1 lên sao Hoả. Đây là một kỳ tích vượt qua tàu vũ trụ Mars 3 của Liên Xô, hạ cánh trên bề mặt sao Hỏa vào năm 1971 nhưng chỉ truyền tín hiệu trong khoảng 20 giây.