Trạm này sẽ thay thế Trạm Vũ trụ Quốc tế (ISS) dự kiến ngừng hoạt động vào năm 2024.
Môđun lõi dài 17 mét đã trở thành tâm điểm thu hút sự chú ý tại triển lãm này. Mô hình thể hiện không gian sống và làm việc của Thiên Cung.
Theo thiết kế, Thiên Cung sẽ có thêm 2 môđun khác phục vụ hoạt động thí nghiệm khoa học và được trang bị các tấm pin năng lượng Mặt Trời.
Phòng thí nghiệm nặng 60 tấn trên quỹ đạo này sẽ là nơi sinh sống và làm việc lâu dài của các nhóm ba nhà du hành, phục vụ công tác nghiên cứu sinh học và môi trường không trọng lực.
Việc chế tạo và lắp ráp Thiên Cung được hy vọng sẽ hoàn thành vào năm 2022 và trạm sẽ có vòng đời khoảng 10 năm.
Trong khi đó, trạm ISS - sản phẩm hợp tác giữa Mỹ, Nga, Canada, châu Âu và Nhật Bản đi vào hoạt động từ năm 1998, sẽ được cho ngừng hoạt động vào năm 2024. Khi đó, Trung Quốc sẽ có một trạm không gian duy nhất trên quỹ đạo, mặc dù kích thước nhỏ hơn rất nhiều ISS nặng 400 tấn.
Cơ quan Vũ trụ châu Âu đã cử các nhà du hành tới Trung Quốc để đào tạo chuẩn bị sẵn sàng cho các sứ mệnh trên Thiên Cung khi trạm vũ trụ này được phóng vào không gian.