Động thái trên của Twitter được đưa ra sau cuộc gặp của ban giám đốc của hãng này và các quan chức Chính phủ Pháp. Trong thông báo, Twitter nêu rõ hãng đã thay đổi chính sách vì muốn "thúc đẩy và bảo vệ tính nguyên vẹn của các cuộc thảo luận" xung quanh các cuộc bầu cử.
Quyết định của Twitter đã nhận được sự hoan nghênh của Chính phủ Pháp. Tuy nhiên, Pháp cho rằng Twitter vẫn chưa tuân thủ đầy đủ luật mới của nước này về chống phát tán tin tức giả mạo trên mạng xã hội.
Trước đó, Chính phủ Pháp có kế hoạch phát động chiến dịch truyền thông xã hội với hashtag #OuiJeVote hoặc "Yes I vote" (Vâng, tôi sẽ bỏ phiếu) nhằm khuyến khích người dân đăng ký đi bỏ phiếu để thực hiện quyền và nghĩa vụ công dân trong cuộc bầu cử Nghị viện châu Âu dự kiến diễn ra cuối tháng 5 tới.
Chiến dịch này được cho là có ý định sử dụng các quảng cáo được tài trợ trên Twitter để lan tỏa thông điệp khuyến khích các cử tri tham gia bầu cử. Tuy nhiên, chính phủ Pháp cho biết Twitter đã chặn các quảng cáo này với lý do các quảng cáo không đáp ứng các yêu cầu về tính minh bạch theo luật định tại Pháp.
Bộ trưởng Nội vụ Pháp Christophe Castaner đã lập tức chỉ trích hành động của Twitter, cho rằng hãng này nên tập trung chặn những nội dung cổ súy khủng bố chứ không phải những nội dung kêu gọi cử tri đăng ký đi bỏ phiếu.
Luật chống tin tức giả mạo nêu trên, được Tổng thống Pháp Emmanuel Macron bảo trợ và thông qua hồi năm ngoái, nhằm mục đích hạn chế các việc phát tán thông tin sai lệch liên quan tới các chiến dịch bầu cử. Luật này bắt buộc các nền tảng truyền thông xã hội phải công khai tên các nguồn tài trợ, cũng như số tiền họ được trả cho các quảng cáo có nội dung chính trị trong vòng 3 tháng trước khi diễn ra cuộc bầu cử.