Ứng dụng công nghệ gen giúp nông nghiệp phát triển

Trong giai đoạn 2006 - 2010, các ứng dụng khoa học công nghệ đã có những đóng góp quan trọng giúp ngành nông nghiệp phát triển và đạt được nhiều thành tựu quan trọng. Điều đó đã khẳng định, khoa học và công nghệ (KH&CN) thực sự là lực lượng sản xuất, là động lực trực tiếp thúc đẩy tăng trưởng.


Nhiều kết quả nghiên cứu đã được ứng dụng vào sản xuất, góp phần tăng năng suất, sản lượng, chất lượng sản phẩm nông nghiệp, thủy sản, lâm nghiệp với tốc độ cao.

Thực hiện nhiều ứng dụng khoa học về nông nghiệp

Ông Triệu Văn Hùng, Vụ trưởng Vụ Khoa học công nghệ và Môi trường, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn khẳng định: KH&CN luôn được quan tâm và được xác định là một trong những giải pháp quan trọng thúc đẩy phát triển nông nghiệp cả về tốc độ và chất lượng. Từ 2006-2010, đầu tư từ ngân sách nhà nước cho KH&CN nông nghiệp và phát triển nông thôn tăng trung bình khoảng 11%/năm; tổng kinh phí từ nguồn vốn sự nghiệp khoa học là 2.416 tỷ đồng.


Thông qua việc triển khai các ứng dụng khoa học về chuyển dịch cơ cấu sản xuất, trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản, lâm nghiệp..., đã góp phần nâng cao năng suất, chất lượng và giá trị sản phẩm, đạt mức tăng trưởng toàn ngành nông nghiệp khá cao. Bình quân 3 năm 2006 - 2008 tăng 3,84%/năm, vượt chỉ tiêu kế hoạch 5 năm Chính phủ đề ra cho ngành là 3- 3,2%.


Ngành trồng trọt dù bị ảnh hưởng của thiên tai, dịch bệnh, tốc độ tăng giá trị sản xuất vẫn đạt bình quân 4,29%/năm. Tỷ trọng chăn nuôi đã tăng từ 24,5% năm 2006 lên 27% năm 2008 và đang có sự chuyển dịch theo hướng tăng chất lượng, thông qua việc hình thành các vùng chăn nuôi quy mô lớn theo hình thức trang trại, phương thức công nghiệp, sử dụng giống tốt, thức ăn công nghiệp, đảm bảo an toàn dịch bệnh, tăng hiệu quả chăn nuôi. Từ 2006 - 2009, ngành thủy sản đạt tốc độ tăng giá trị sản xuất bình quân 8,96%/năm.


Kim ngạch xuất khẩu thủy sản năm 2008 đã đạt 4,51 tỷ USD. Tăng trưởng giá trị sản xuất lâm nghiệp đạt mức bình quân 2,3%/năm. Đặc biệt, tốc độ tăng kim ngạch xuất khẩu lâm sản đạt mức bình quân gần 20%/năm. Lâm nghiệp đã chuyển mạnh từ lâm nghiệp quốc doanh sang lâm nghiệp xã hội với nhiều thành phần kinh tế tham gia. 


Sản xuất khoai tây giống nguyên chủng chất lượng cao bằng công nghệ nuôi cấy mô tế bào và bảo quản lạnh tại Trung tâm Ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ tỉnh Lạng Sơn. Ảnh: An Đăng - TTXVN

Nhiều ứng dụng khoa học đã giúp sản phẩm hàng hóa nông nghiệp tăng năng suất, sản lượng, chất lượng và khả năng cạnh tranh trên thị trường. Nhờ đó, kim ngạch xuất khẩu nông nghiệp đã tăng 24%/năm và tổng kim ngạch đạt 16.475 triệu USD (2008), vượt chỉ tiêu kế hoạch đề ra cho năm 2010 trên 52%. Thị trường xuất khẩu được mở rộng, nhiều mặt hàng có thị phần lớn và chiếm vị thế cao trên thế giới như: Hạt điều, hạt tiêu đứng thứ nhất; lúa gạo, cà phê đứng thứ hai; cao su đứng thứ tư, chè đứng thứ năm và thủy sản đứng thứ bảy.


Ưu tiên những nghiên cứu khoa học mũi nhọn


Theo ông Triệu Văn Hùng, mục tiêu phát triển ngành nông nghiệp đến năm 2020 là tăng trưởng kinh tế ngành bền vững và có chất lượng thông qua nâng cao năng suất, chất lượng và sức cạnh tranh sản phẩm; cải thiện mức sống và điều kiện sống dân cư nông thôn, đặc biệt là người nghèo. Đồng thời, phát triển hệ thống hạ tầng đáp ứng yêu cầu sản xuất nông nghiệp và phục vụ đời sống dân cư nông thôn. Cùng với đó là nâng cao năng lực cạnh tranh và hội nhập quốc tế; sử dụng và bảo vệ nguồn tài nguyên tự nhiên và môi trường có hiệu quả và bền vững; nâng cao hiệu lực quản lý ngành.


Theo đó, định hướng ưu tiên trong thời gian tới của ngành nông nghiệp là tiếp tục ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật mũi nhọn trong chọn, tạo và phát triển các giống cây trồng, vật nuôi có năng suất cao, chất lượng tốt, chống chịu với các bệnh dịch chính và điều kiện bất lợi; phát triển và ứng dụng các công nghệ vào sản xuất theo hướng đồng bộ, khép kín và hiện đại.


Đặc biệt là quy trình thâm canh cây trồng, vật nuôi theo hướng tiết kiệm vật tư và lao động, các công nghệ sản xuất tiên tiến như kỹ thuật quản lý cây trồng tổng hợp (ICM), thực hành nông nghiệp tốt (GAP)... nhằm phát huy tiềm năng giống, điều kiện sinh thái; công nghệ thông tin, viễn thám và GIS để nghiên cứu dự báo và phát hiện các dịch bệnh mới và đề xuất giải pháp xử lý kịp thời...


Ưu tiên nghiên cứu và ứng dụng công nghệ sinh học, chủ yếu là công nghệ gen và công nghệ vi sinh vật, nhằm tạo ra các giống cây trồng, vật nuôi, giống thủy sản, chủng vi sinh vật, các chế phẩm sinh học mới có năng suất, chất lượng cao; phát triển và ứng dụng công nghệ, thiết bị tiên tiến trong bảo quản nông, lâm, thủy sản; nghiên cứu cơ sở khoa học cho việc xây dựng chiến lược, chính sách, kế hoạch phát triển nông nghiệp và nông thôn, cải cách thể chế, dự báo thị trường, phát triển ngành hàng, mô hình sản xuất, thu hút đầu tư và hội nhập kinh tế quốc tế.


Ngành nông nghiệp cũng đặt ra mục tiêu phát triển và ứng dụng công nghệ mới, vật liệu tiên tiến để cải tạo đất, khai thác có hiệu quả nước mặt, nước ngầm, tiết kiệm nước… phục vụ sản xuất và sinh hoạt, công nghệ và thiết bị sử dụng năng lượng mới, năng lượng tái tạo phục vụ sản xuất nông nghiệp và chế biến nông, lâm, thủy sản; các giải pháp KHCN để chủ động dự báo thiên tai (lũ quét, xói lở đê sông, biển, xâm nhập mặn).


Thu Hiền

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN