Đường lối sáng tạo
Đại tá Trương Văn Dũng, Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Đông Bắc chia sẻ, những năm qua, Tổng Công ty đã xác định việc áp dụng công nghệ mới, công nghệ số vào sản xuất, kinh doanh và điều hành là khâu đột phá, giải pháp quan trọng hàng đầu trong việc nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm và thu nhập cho người lao động, bảo đảm an toàn, vệ sinh môi trường.
Tổng Công ty đã xây dựng, ban hành quy chế quản lý hoạt động khoa học và công nghệ, có cơ chế, chính sách đãi ngộ, quan tâm đầu tư kinh phí cho công tác nghiên cứu khoa học, ứng dụng công nghệ, phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật vào các khâu, bước của quá trình khai thác, chế biến than. Đây là cơ sở pháp lý quan trọng để các công ty, đơn vị thành viên chủ động, linh hoạt trong tổ chức sản xuất; tăng cường phối hợp với các chuyên gia, đơn vị tư vấn nghiên cứu, đổi mới dây chuyền công nghệ, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật mới. Đơn vị cũng khuyến khích đội ngũ cán bộ, kỹ sư, thợ tay nghề cao tích cực nghiên cứu, ứng dụng khoa học, công nghệ, phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật vào đồng bộ hóa dây chuyền sản xuất, tăng năng suất lao động, nâng cao chất lượng sản phẩm, phòng ngừa rủi ro, tai nạn, thân thiện với môi trường.
Hằng năm, Tổng Công ty yêu cầu các cơ quan, đơn vị đăng ký đề tài nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ, sáng kiến cải tiến kỹ thuật; từ đó, xem xét phê duyệt, đầu tư kinh phí được trích từ lợi nhuận sản xuất, kinh doanh để thực hiện. Với cách làm này, những năm qua, đơn vị đã nghiên cứu, phối hợp nghiên cứu, ứng dụng thành công hàng chục tiến bộ khoa học, công nghệ, sáng kiến cải tiến kỹ thuật trên các lĩnh vực như: Cơ giới hóa, tự động hóa, công nghệ khai thác, đào chống lò, thông gió, thoát nước, phòng ngừa bục nước, vận tải, gia công chế tạo, cải tiến máy móc, thiết bị… trong sản xuất, mang lại hiệu quả kinh tế cao, có ý nghĩa lớn về xã hội, cải thiện môi trường, điều kiện làm việc, bảo đảm an toàn cho người lao động. Qua đó, góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh, thực hiện tốt mục tiêu “đơn vị ít người, năng suất cao, trả lương cao”.
Công nghệ mới an toàn, hiệu quả
Khai thác hầm lò là công việc nặng nhọc, độc hại và đặc biệt nguy hiểm. Vì vậy, nhiệm vụ hiện đại hóa công nghệ quản lý khí mỏ trong khai thác hầm lò được đặt lên hàng đầu với phương châm “An toàn thứ nhất, sản xuất thứ hai”.
Trung tá Nguyễn Trung Kiên, Phó Trưởng phòng Kỹ thuật công nghệ (Tổng Công ty Đông Bắc) cho biết, giai đoạn 2007 - 2009, Tổng Công ty đã đầu tư 8 hệ thống giám sát khí mỏ tập trung tự động cho toàn đơn vị, kiểm soát 100% các gương lò về khí, gió mỏ. Đơn vị triển khai ứng dụng phần mềm công nghệ thông tin trong tính toán, quản lý thông gió mỏ, sử dụng các loại quạt thông gió lớn có cơ cấu đảo chiều lắp đặt cho các trạm thông gió chính ở các mỏ, hầm lò và quạt gió đa cấp, quạt hút khí độc hại chạy bằng khí nén... Nhờ đó, giúp rút ngắn thời gian thi công các đường lò khai thông, đẩy nhanh tiến độ ra than của các diện khai thác, tăng năng suất lao động, cải thiện điều kiện làm việc.
Đến năm 2014, Tổng Công ty tiếp tục đầu tư hoàn thiện hệ thống truyền thông tin kết quả giám sát khí, gió mỏ từ các gương lò, các diện sản xuất truyền qua mạng Intenet về văn phòng các đơn vị và Tổng Công ty. Từ đó, giúp chủ động điều hành về mặt an toàn trong sản xuất. Hơn 10 năm qua, Tổng Công ty không để xảy ra mất an toàn về khí, gió mỏ.
Mỏ than Khe Tam của Công ty 35 (trực thuộc Tổng Công ty Đông Bắc) hiện khai thác hầm lò mở rộng xuống sâu từ mức +40m đến -320m. Đây là mỏ có chiều sâu khai thác lớn nhất của Tổng Công ty với diện sản xuất ở mức khí mỏ loại 3 (loại nguy cơ cháy nổ cao, theo xếp hạng của Bộ Công Thương). Thượng tá Đỗ Hoàng Hiệp, Giám đốc Công ty 35 chia sẻ, từ năm 2020, Công ty 35 đã tập trung nguồn lực đầu tư công nghệ tiên tiến để kiểm soát, quản lý khí mỏ hầm lò như: Máy đo tự động đa năng GX3-Pro của Nhật Bản, hệ thống quan trắc tập trung tự động KSP-3 của Ba Lan để theo dõi và quản lý khí mỏ trong từng khu vực khai thác.
Nhờ áp dụng công nghệ tiên tiến trong kiểm soát, quản lý khí mỏ hầm lò tốt, đơn vị đã giảm được chi phí quản lý khí mỏ từ 15 - 20%, sản lượng khai thác than tăng 30%, thu nhập người lao động tăng 30% so với trước năm 2020.
Bằng các giải pháp quyết liệt, đồng bộ trong thực hiện khâu đột phá nghiên cứu, đổi mới, ứng dụng công nghệ, phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật vào sản xuất đã góp phần đưa sản lượng khai thác than của Tổng Công ty Đông Bắc năm 2023 đạt hơn 7,1 triệu tấn, tiêu thụ than đạt 10,89 tấn, đạt tương ứng 107% và 109% kế hoạch; tổng doanh thu đạt 28.259 tỷ đồng, vượt mức so với giai đoạn trước. Riêng 6 tháng đầu năm 2024, Tổng Công ty đã sản xuất được hơn 3,58 triệu tấn than nguyên khai, tiêu thụ gần 6, triệu tấn than các loại, doanh thu đạt hơn 15.860 tỷ đồng, thu nhập bình quân của người lao động hơn 21,22 triệu đồng/người/tháng.
Đại tá Trương Văn Dũng, Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Đông Bắc cho biết, phát huy kết quả đạt được, thời gian tới, đơn vị tiếp tục đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng khoa học kỹ thuật, đổi mới công nghệ, hiện đại hóa công đoạn sản xuất phù hợp, nâng cao mức độ an toàn, cải thiện điều kiện làm việc, khai thác tiết kiệm, hiệu quả nguồn tài nguyên. Trọng tâm, đơn vị sẽ thực hiện các đề án, dự án theo Quy hoạch phát triển ngành Than của Chính phủ nhằm ổn định sản xuất và góp phần đảm bảo đủ than cung cấp cho các nhà máy nhiệt điện, các tổ chức, hộ tiêu thụ. Tổng Công ty tiếp tục đẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ 4.0 ngay từ quy trình khoan thăm dò, nắm chắc các biến động địa chất trong lòng đất, quan sát được vỉa than qua mô hình 3D; nghiên cứu, áp dụng thử nghiệm các thiết bị cơ giới hóa trong các công đoạn đào lò và khai thác than phù hợp với quy mô, công suất các mỏ hầm lò.