Văn bản nêu rõ, các đơn vị cần khai thác triệt để ứng dụng, phần mềm có tính năng trực tuyến, tương tác và trí tuệ nhân tạo, mạng xã hội để phổ biến giáo dục pháp luật. Đồng thời lựa chọn, biên tập tài liệu, nội dung phổ biến giáo dục pháp luật theo hướng phù hợp đối tượng, chuyển đổi thành nội dung số để thực hiện qua các ứng dụng (Zalo, Fanpage...), đáp ứng yêu cầu dữ liệu hóa tài liệu phổ biến giáo dục pháp luật.
Trên cơ sở khảo sát, nắm bắt nhu cầu thực tiễn và căn cứ điều kiện, yêu cầu, từng cơ quan, đơn vị, chủ động xây dựng, tổ chức thực hiện các kế hoạch, chương trình, đề án về phổ biến giáo dục pháp luật, bảo đảm chất lượng, hiệu lực, hiệu quả.
Việc phổ biến giáo dục pháp luật cần ưu tiên các nhóm đối tượng đặc thù, đồng bào dân tộc thiểu số, địa bàn vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, địa bàn trọng yếu về quốc phòng, an ninh gắn với thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia, đề án phát triển kinh tế - xã hội.
Các đơn vị thông tin, phổ biến đầy đủ, toàn diện văn bản, chính sách cho cán bộ, nhân dân, tập trung vào những luật, pháp lệnh, văn bản mới thông qua năm 2023, 2024; nội dung thiết thực với người dân, doanh nghiệp, vấn đề xã hội quan tâm; pháp luật về đất đai, nhà ở; phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; phòng, chống tội phạm; pháp luật về điện ảnh, phòng, chống bạo lực gia đình, sở hữu trí tuệ...
Cùng với đó, các đơn vị chú trọng truyền thông dự thảo chính sách, nhất là những vấn đề nóng hoặc có nhiều ý kiến khác nhau; gắn phổ biến xây dựng pháp luật với xây dựng, hoàn thiện thể chế và tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong thi hành pháp luật; tăng cường truyền thông chính sách trong quá trình xây dựng dự án Luật Di sản văn hóa (sửa đổi); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quảng cáo.
Các đơn vị tiếp tục đổi mới nội dung, hình thức phổ biến giáo dục pháp luật theo hướng lấy người dân làm trung tâm; xây dựng mô hình điểm về phổ biến, thực hiện pháp luật tại cơ sở gắn với việc thực hiện hương ước, quy ước và mô hình tự quản tại cộng đồng...