Dự án của Phương Ngân là một ứng dụng điện thoại (app phần mềm), cung cấp mạng lưới Blockchain (công nghệ chuỗi - khối) hỗ trợ giám sát, định vị, kết nối với các tàu thuyền đánh bắt Việt Nam; đồng thời áp dụng công nghệ A.I (trí tuệ nhân tạo) trong việc hỗ trợ ngư dân thông tin xác thực về các đặc tính, đặc trưng của từng loài thủy sản và đề xuất các phương pháp đánh bắt, chế biến, bảo quản phù hợp, nhằm nâng cao chất lượng thủy sản Việt Nam.
Để dễ hình dung, Ngân giải thích trên app có hai tính năng. Đầu tiên là ứng dụng công nghệ A.I để nhận diện, đánh giá tình trạng chất lượng, đề xuất cách bảo quản, chế biến thủy sản phù hợp với loại và tình trạng chất lượng thủy sản. Tính năng thứ hai liên quan đến sàn thương mại điện tử tích hợp công nghệ Blockchain quản lý thông tin giao dịch và kết nối các giao dịch giữa doanh nghiệp và ngư dân, giữa ngư dân và ngư dân, cuối cùng là hỗ trợ truy xuất nguồn gốc sản phẩm.
Về phương thức hoạt động, Marinet giống như một sàn thương mại điện tử, là nơi người bán có thể đăng tải các sản phẩm kèm theo thông tin, giá cả. Người mua dựa vào hình ảnh, kiểm định và đánh giá từ khách hàng khác để lựa chọn sản phẩm theo đúng nhu cầu của bản thân. Hệ thống logistic sẽ làm đơn vị trung gian vận chuyển, giao hàng. Điểm khác biệt là dự án Marinet đến từ việc tích hợp công nghệ Blockchain và trợ lý ảo AI.
Blockchain giúp theo dõi lộ trình giao dịch sản phẩm đến tay ngư dân, AI sẽ giúp xác định loại thủy sản, đánh giá tình trạng, đề xuất các phương pháp bảo quản và chế biến phù hợp, định giá thủy sản dựa trên giá thị trường và tình trạng hiện tại. Khi sử dụng ứng dụng Marinet, người dùng chỉ cần cung cấp thông tin dữ liệu ban đầu (ảnh chụp lát cắt) về tình hình, chất lượng của một con cá trong lô cá thì ứng dụng Marinet sẽ tự động tính toán, trả về các kết quả liên quan đến quá trình đánh bắt, cách sơ chế cũng như cách bảo quản và các nội dung về phân phối sản phẩm. Quá trình nghiên cứu của Ngân đã có những kết quả ban đầu. Tuy nhiên, đây là một dự án khá lớn nên lượng công việc đã hoàn thành chưa đạt kỳ vọng so với kỳ vọng của Ngân.
Trước khi bước vào năm học 2023 -2024, Ngân đã hình thành nên ý tưởng tạo nên một sản phẩm khoa học kỹ thuật, mang tính ứng dụng thiết thực, giúp đỡ cho người ngư dân Việt Nam. Theo Ngân, tình hình khai thác cũng như chế biến thủy sản của nước ta những năm gần đây gặp nhiều vấn đề như được mùa mất giá, chất lượng thủy sản kém, giá thấp, khó khăn trong xuất khẩu, thậm chí chỉ vì cách lấy thịt cá của hàng trăm con trong một lô hàng, để kiểm tra ban đầu làm cho chất lượng cá giảm sút. Các vấn đề này được báo chí nêu thường xuyên, đặc biệt hơn khi là người con của Khánh Hòa – quê hương có biển là nguồn sống của bao thế hệ, Ngân càng muốn cống hiến để sản phẩm khoa học kỹ thuật của học sinh như Ngân sẽ được phát triển toàn diện, giúp ích xã hội.
Những ý tưởng đầu tiên của dự án Marinet được hiện thực hóa qua giao diện trên nền tảng smart phone do Ngân hoàn thiện và mang dự án đến cuộc thi "Cuộc đua khởi nghiệp", do Tỉnh Đoàn Khánh Hòa tổ chức. Ngân tự tìm hiểu ở mọi khía cạnh từ công nghệ, mô hình kinh doanh đến quảng bá thương hiệu. Do thời gian chuẩn bị gấp, mọi công đoạn tìm tài liệu, dịch thuật từ tiếng Anh sang tiếng Việt cũng như đi thực tế cảng cá, viết mã code cho phần mềm đều do Ngân tự mày mò nghiên cứu sau giờ lên lớp. Qua đây, em có được những bài học bổ ích, nền tảng vững vàng để có thể sớm đưa Marinet hoạt động trong tương lai. Trong cuộc thi "Cuộc đua khởi nghiệp", Dự án Marinet của Nguyễn Xuân Phương Ngân xuất sắc giành được giải Nhất trong các mô hình khởi nghiệp của khối học sinh - sinh viên.
"Marinet là kết hợp từ "marine" nghĩa là biển cả mà "net" là mạng lưới kết nối. Từ cái tên, em muốn các nghiên cứu của mình đều hướng đến tạo mạng lưới kết nối cộng đồng, giúp ngư dân khai thác các chuỗi thông tin có trên app. Khi Marinet được đưa vào sử dụng thực tế là lúc em có thể hy vọng về cuộc sống tốt hơn cho ngư dân, vốn đã quanh năm khổ cực vượt sóng, vượt gió", Ngân cho hay.
Dự án của Ngân được các giám khảo Cuộc thi Khoa học Kỹ thuật cấp tỉnh năm 2023 đánh giá cao, có hàm lượng nghiên cứu khoa học lớn, là một dự án sáng tạo. Hiện nay, nhiều doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa sẵn sàng hỗ trợ Ngân tiếp tục hoàn thiện dự án, để sớm ứng dụng trên thị trường.
Trước khi nhận giải Nhất Cuộc thi Khoa học Kỹ thuật cấp tỉnh 2023 và giải Nhất "Cuộc đua khởi nghiệp", Nguyễn Xuân Phương Ngân từng đoạt nhiều giải thưởng ở các kỳ thi khoa học - kỹ thuật cấp tỉnh năm 2020, 2021, 2022; đoạt giải Ba và dự án được yêu thích nhất chương trình STEM Express 2023, là Trưởng nhóm dự án được nhiều người yêu hích nhất tại cuộc thi RMIT Business Plan Competition.
Thầy hướng dẫn Nguyễn Lam, giáo viên Trường Trung học Phổ thông Lý Tự Trọng đánh giá, dự án sáng tạo khoa học kĩ thuật của em Nguyễn Xuân Phương Ngân là kết quả của sự đam mê nghiên cứu sáng tạo khoa học không ngừng nghỉ của em. Những năm trước đây, Phương Ngân đã có sản phẩm khoa học kỹ thuật đoạt giải Nhì cấp tỉnh, chính điều này đã tạo nên sức bật trong dự án lần này với hàm lượng khoa học, kỹ thuật rất cao. Trước mắt, dự án chỉ trên giai đoạn nghiên cứu, chế tạo, nhưng với ước vọng của Phương Ngân, hoàn toàn có thể hy vọng sớm được nhìn thấy dự án đi vào hiện thực, giúp đỡ người ngư dân, doanh nghiệp trong lĩnh vực khai thác, chế biến và tiêu thụ thủy sản trong tương lai.
Thầy Trương Minh Trình, Hiệu trưởng Trường Trung học Phổ thông Lý Tự Trọng tự hào về Nguyễn Xuân Phương Ngân với những thành tựu khoa học, kỹ thuật em đã đạt được; đồng thời nhấn mạnh tính đào tạo lòng say mê nghiên cứu khoa học liên kết bền vững của nhà trường. Những năm qua, ngoài việc giảng dạy kiến thức phổ thông, để tạo lòng yêu thích bộ môn khoa học, nhà trường tổ chức riêng một câu lạc bộ, để học sinh có nơi trao đổi, chia sẻ học tập lẫn nhau trong quá trình nghiên cứu, sáng tạo khoa học, kỹ thuật; đồng thời hỗ cử giáo viên, mời chuyên gia để hỗ trợ cho các em trong quá trình nghiên cứu.