Hồ sơ tòa án nêu rõ cần một lệnh cấm để ngăn chặn mối nguy hại tạm thời trong thời gian FTC xác định thương vụ này có vi phạm luật chống độc quyền của Mỹ hay không. Dự kiến, FTC sẽ xúc tiến một phiên điều trần vào tháng 8 để tranh luận về giá trị của thỏa thuận nhưng việc FTC kháng cáo lên tòa án liên bang có khả năng khiến Microsoft phải tuân theo lệnh cấm ngăn chặn thỏa thuận trước khi hoàn tất hợp đồng thâu tóm này. Thẩm phán California sẽ cân nhắc quyết định sau khi tiếp thu các lập luận của FTC về lý do tại sao việc mua lại bị coi là bất hợp pháp cũng như phản hồi từ Microsoft về lý do nên hoàn tất thỏa thuận thâu tóm này.
Chủ tịch Microsoft Brad Smith cho biết: “Chúng tôi hoan nghênh cơ hội trình bày vụ việc của mình tại tòa án liên bang... Chúng tôi tin rằng việc đẩy nhanh quy trình pháp lý ở Mỹ cuối cùng sẽ mang lại nhiều lựa chọn và cạnh tranh hơn cho thị trường".
Chủ sở hữu Xbox Microsoft đã đề xuất mua Activision Blizzard vào đầu năm ngoái, với mục đích thành lập công ty trò chơi lớn thứ 3 thế giới tính theo doanh thu sau Tencent của Trung Quốc và nhà sản xuất PlayStation là Sony của Nhật Bản. Mục tiêu hoàn thành thương vụ là vào tháng 6 năm nay. Tuy nhiên, thỏa thuận này đã chịu áp lực và chỉ trích từ các đối thủ cạnh tranh của Microsoft trong lĩnh vực trò chơi, chẳng hạn như Sony.
Trong khi Liên minh châu Âu bật đèn xanh cho thỏa thuận, Cơ quan Cạnh tranh và thị trường (CMA) của Anh đã chặn thương vụ này vào tháng 4, cho rằng vụ thâu tóm sẽ gây hại cho tính cạnh tranh trong lĩnh vực trò chơi trực tuyến.
Tháng 12/2022, FTC đã đệ trình một vụ kiện chống độc quyền chống lại Microsoft trong việc mua lại Activision Blizzard. Đây không phải là lần đầu tiên Microsoft phải đối phó với những vụ kiện chống độc quyền. Năm 1998, Bộ Tư pháp Mỹ đã đệ trình một vụ kiện chống độc quyền quy mô lớn chống lại công ty. Từ đó, Microsoft đã thay đổi một số thông lệ liên quan đến hoạt động kinh doanh hệ điều hành Windows của mình.