Bão Mặt Trời đạt mức cực đại vào lúc 5h55 (giờ địa phương, tức 4h55 theo giờ Việt Nam) ngày 1/1 vừa qua, được phân loại là bão cấp X5, mạnh nhất trong hơn 6 năm. Vệ tinh Kuafu-1 cũng đồng thời phát hiện các vụ phun trào nhật hoa - sự phun trào plasma và từ trường từ lớp khí quyển trên cao hay vành nhật hoa của Mặt Trời.
Trưởng nhóm dự báo của Trung tâm Thời tiết không gian quốc gia, ông Chen Anqin, cho rằng các cơn bão Mặt Trời này ít tác động đối với Trái Đất. Tuy nhiên, những hiện tượng khác đi kèm với bão Mặt Trời như các vụ phun trào nhật hoa hướng vào Trái Đất có nguy cơ gây ra các cơn bão từ.
Ông Chen dự báo các cơn bão Mặt Trời cấp X có thể xảy ra thường xuyên trong năm 2024 do Mặt Trời sẽ đạt đến điểm cực đại trong chu kỳ hiện nay. Mỗi chu kỳ Mặt Trời kéo dài khoảng 11 năm, bao gồm giai đoạn bùng nổ và yên bình. Chu kỳ Mặt Trời hiện nay, được gọi là chu kỳ Mặt Trời thứ 25, bắt đầu vào tháng 12/2019. Theo ông Chen, trong mỗi chu kỳ Mặt Trời, có khoảng 100 cơn bão Mặt Trời cấp X và riêng năm 2023 đã xảy ra gần 20 cơn bão Mặt Trời cấp X.
Bão Mặt Trời xảy ra khi Mặt Trời phát ra một vụ bùng nổ bức xạ điện từ mạnh và có thể kéo dài chỉ vài phút. Bão Mặt Trời được đánh giá dựa trên độ mạnh, với cấp A là nhỏ nhất, tiếp đó lần lượt lần lượt là B, C, M. Cấp độ X là mạnh nhất. Hiện tượng này có thể ảnh hưởng đến thông tin liên lạc bằng sóng vô tuyến tần số cao, lưới điện và tín hiệu điều hướng, đồng thời gây rủi ro cho tàu vũ trụ và phi hành gia.
Năm 2022, Trung Quốc đã phóng tên lửa đẩy Trường Chinh-2D mang theo vệ tinh Kuafu-1 vào quỹ đạo.