Hạ tầng 5G là một yếu tố thiết yếu để Việt Nam có thể hoàn thành các chỉ tiêu đề ra trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 và chuyển đổi số quốc gia. Công nghệ này cũng là chìa khóa mở ra cơ hội mới, tạo ra các mô hình vận hành kinh doanh có khả năng làm thay đổi nền kinh tế, giúp Việt Nam bứt phá trở thành một nước lớn mạnh về phát triển công nghệ. Tuy nhiên, để thương mại hóa được công nghệ 5G, Việt Nam cần phải vượt qua nhiều khó khăn, thách thức.
Thử nghiệm công nghệ 5G
Đầu năm 2018, tại sự kiện Thế vận hội Mùa Đông diễn ra tại Hàn Quốc, Tập đoàn viễn thông Hàn Quốc (Korea Telecom) đã sử dụng 5G để chiếu video trực tiếp các sự kiện quan trọng lên một màn hình khổng lồ trên xe bus. Đây là lần ra mắt công khai và quan trọng nhất của mạng 5G. Khoảng 6 tháng sau đó, công nghệ 5G đã được thử nghiệm ở hơn 30 quốc gia trên thế giới, nhanh hơn rất nhiều so với số lượng quốc gia thử nghiệm công nghệ 4G. Việc này cho thấy, thế giới đã nhận thấy tầm quan trọng và khả năng thay đổi mạnh mẽ của công nghệ này tới mọi lĩnh vực kinh tế, sản xuất, đời sống xã hội.
Tại Việt Nam, Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ tắt sóng 2G và có kế hoạch phân bổ băng tần cho người dùng thiết bị 5G trong thời gian tới. Hiện các nhà mạng Viettel, MobiFone và VinaPhone đã được cấp giấy phép thử nghiệm mạng 5G, trong đó Viettel đã thử nghiệm thành công mạng 5G tại Thành phố Hồ Chí Minh. Hai nhà mạng còn lại đang lên kế hoạch thử nghiệm 5G trong thời gian tới.
Trong quá trình Việt Nam triển khai 5G, Tập đoàn Qualcomm đã hợp tác chặt chẽ với Chính phủ, các nhà mạng, doanh nghiệp tư nhân để giúp Việt Nam thực hiện đúng kế hoạch phủ sóng 5G và thương mại hóa công nghệ 5G trong năm 2020. Bà Penny Baldwin, Giám đốc Marketing Tập đoàn Qualcomm khẳng định: Nếu thử nghiệm 5G thành công, Việt Nam sẽ trở thành một trong những quốc gia đầu tiên thương mại hóa 5G trên thế giới.
Theo Cục Viễn thông, Bộ Thông tin và Truyền thông: Công nghệ 5G sẽ đem lại một nền kinh tế mới, góp phần giúp Việt Nam tạo ra một loạt sản phẩm mới cho thành phố thông minh, đô thị thông minh phục vụ đời sống. Đây cũng chính là một trong số những chìa khóa quan trọng để gặt hái thành công trong cách mạng công nghiệp 4.0.
Trong giai đoạn đầu tiên của công nghệ 5G, nhiều doanh nghiệp Việt Nam tập trung nguồn lực sản xuất bộ vi xử lý chip-set 5G. Đây được coi là “trái tim” của công nghệ 5G. Hiện nay, Việt Nam có khoảng hơn 20 công ty làm bộ vi xử lý về lĩnh vực sản phẩm. Khoảng 3.000 kỹ sư Việt Nam đang hoạt động trong lĩnh vực vi mạch điện tử. Nếu Việt Nam tận dụng được trí tuệ tổng hợp này thì việc thiết kế, sản xuất bộ vi xử lý có thể thành hiện thực. Sản xuất bộ vi xử lý chip-set 5G thương hiệu Việt Nam (Made in Vietnam) là điều kiện tiên quyết để phát sản được các sản phẩm, thiết bị 5G cũng như đảm bảo được các vấn đề an toàn an ninh về lâu dài.
Nhiều khó khăn phải vượt qua
Thử nghiệm công nghệ mới, khó khăn đầu tiên được các chuyên gia công nghệ đề cập đến là vấn đề chi phí. Ông Naveen Menon, Chủ tịch Tập đoàn Cisco khu vực ASEAN cho biết: Để triển khai 5G, các nhà khai thác viễn thông phải tiến hành đầu tư khá lớn. Đối với khu vực Đông Nam Á, mức đầu tư ước tính từ 11 - 18 tỷ USD. Ở Việt Nam, con số này là khoảng 1,5 - 2,5 tỷ USD trong giai đoạn 2020 - 2025.
Giai đoạn tăng trưởng ban đầu của việc áp dụng 5G dự kiến sẽ đến từ các khách hàng cao cấp và thiết bị giá trị cao, sau đó số lượng thuê bao sẽ bắt đầu tăng lên nhanh chóng cùng việc các thiết bị này trở nên phổ biến hơn. Theo lộ trình này, dự báo đến năm 2025, tỷ lệ phổ cập mạng 5G sẽ ở mức 25 - 40%, tổng số thuê bao 5G tại khu vực ASEAN được dự báo vượt mức 200 triệu thuê bao vào năm 2025. Đại diện Cục Viễn thông, Bộ Thông tin và Truyền thông cho rằng, nếu như thiết bị kết nối công nghệ 5G có giá cả hợp lý, giá cước dịch vụ không quá cao so với nhu cầu của người sử dụng,… thì đầu tư xây dựng hệ sinh thái ứng dụng công nghệ 5G mới được nhiều doanh nghiệp quan tâm và thực hiện.
Xây dựng hệ sinh thái di động sử dụng công nghệ 5G không chỉ tạo điều kiện cho các đơn vị cung cấp dịch vụ viễn thông di động phát triển, người sử dụng có nhiều cơ hội trải nghiệm các công nghệ mới… mà các doanh nghiệp cũng tận dụng được lợi thế của công nghệ 5G trong quá trình vận hành nhà máy sản xuất thông minh, giảm chi phí đầu tư nhân lực. Do đó khi sử dụng bất cứ công nghệ nào, Việt Nam cũng cần đánh giá những yếu tố phù hợp với nhu cầu sử dụng của người dùng, hạ tầng của nhà mạng, mức độ sẵn sàng chuyển đổi số của doanh nghiệp…
Ông Vũ Hoàng Liên, Chủ tịch Hiệp hội Internet Việt Nam phân tích: Mấu chốt quan trọng của công nghệ là đáp ứng kịp nhu cầu của xã hội, thị trường, người tiêu dùng và đạt được sự cân bằng giữa lợi ích của nhà cung cấp và người sử dụng. Thế nên công nghệ 5G hay các công nghệ sau này vẫn phải giải quyết bài toán kinh tế, hài hòa lợi ích giữa cung và cầu, chứ không đơn thuần là vấn đề về công nghệ.
Hiện tại nguồn nhân lực cho công nghệ 5G tại Việt Nam chưa đáp ứng đủ nhu cầu về chất và lượng. Lực lượng kỹ sư giỏi, có kinh nghiệm lâu năm, am hiểu vi mạch, có khả năng kết nối với chuyên gia nước ngoài là bài toán khó của tất cả các doanh nghiệp Việt Nam có đầu tư nghiên cứu, sản xuất thiết bị, công nghệ 5G. Đào tạo kỹ sư thiết kế mạch IC là ngành đòi hỏi kinh phí đào tạo cao hơn hẳn so với các ngành công nghệ thông tin khác như phần mềm trí tuệ nhân tạo, sinh viên đăng ký học ít vì đầu ra không hấp dẫn.
Khoa Điện tử Viễn thông, Trường Đại học Bách khoa trước đây thường rất thu hút sinh viên, nhưng gần đây sinh viên đã chuyển sang chọn các mảng về trí tuệ nhân tạo, thiết kế, lập trình game… Do đó, để đào tạo nguồn nhân lực điện tử viễn thông hiệu quả, đảm bảo khi ra trường, kỹ sư đáp ứng được đòi hỏi của công ty, làm việc được thì rất cần sự đầu tư của doanh nghiệp và các trường đại học.
Từ yêu cầu thực tế này, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Phan Tâm gợi ý về kết hợp đào tạo và tuyển dụng sinh viên từ các trường đại học của Việt Nam với các doanh nghiệp nghiên cứu phát triển 5G. Nhà trường cần đảm bảo chương trình và chất lượng giảng dạy, đầu ra phù hợp với yêu cầu của doanh nghiệp. Còn doanh nghiệp cần cam kết đầu ra cho sinh viên tốt nghiệp có việc làm. Hợp tác này phải là mức doanh nghiệp đầu tư bỏ tiền vào giáo dục và cam kết đầu ra chứ không phải chỉ là học bổng hay một khoản tiền nhất định đối với cơ sở đào tạo. Nếu có cam kết tuyển dụng của doanh nghiệp, chắc chắn ngành học sẽ thu hút được nhiều sinh viên hơn. Có kinh phí đầu tư đào tạo từ doanh nghiệp, sinh viên chắc chắn sẽ có điều kiện học tập tốt hơn, thực tế hơn, đáp ứng nhu cầu tuyển dụng. Đây chính là sự đầu tư lâu dài cho nguồn nhân lực.
Một thách thức nữa trong triển khai 5G là khi phát triển tốc độ internet và gia tăng kết nối, lưu lượng thông tin, dữ liệu… việc đảm bảo an toàn an ninh trở thành bài toán khó. Để giải quyết vấn đề bảo mật an ninh từ gốc, Bộ Thông tin và Truyền thông xác định, các nhà mạng, doanh nghiệp công nghệ thông tin của Việt Nam cần đầu tư sản xuất bằng được bộ vi xử lý chip-set 5G. Vấn đề tiếp theo là triển khai dịch vụ trên nền tảng 5G, phổ cập 5G đối với doanh nghiệp, người dân, các vấn đề quản lý, xử lý vi phạm, bảo vệ quyền công dân trên không gian mạng…
Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng khẳng định: Bộ Thông tin và Truyền thông khích lệ và tạo mọi điều kiện cho các doanh nghiệp công nghệ Việt Nam nghiên cứu sản xuất được thiết bị viễn thông, kể cả thiết bị mạng và thiết bị đầu cuối, để lần đầu tiên trong lịch sử nước nhà, mạng viễn thông Việt Nam được xây dựng từ các thiết bị của Việt Nam. Việt Nam cũng hướng tới mục tiêu trở thành nước thứ 5 trên thế giới xuất khẩu được thiết bị viễn thông Made in Viet Nam...
Với quyết tâm đưa Việt Nam trở thành một quốc gia đi đầu trong công nghệ mới, mà đầu tiên là công nghệ 5G, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông kêu gọi các chuyên gia, học giả, doanh nghiệp, nhà tư vấn, hiệp hội, người dân hợp tác với Bộ Thông tin và Truyền thông để hiện thực hóa công nghệ 5G, chung tay góp sức để thay đổi thứ hạng viễn thông, phát triển ngành công nghiệp công nghệ thông tin Việt Nam.