Theo báo cáo của Tổng hội Địa chất Việt Nam, tại khu vực Tây Nguyên, nguồn tài nguyên nước khoáng, nước nóng khá phong phú về số lượng, đa dạng về loại, nhiệt độ; thành phần hóa học, độ khoáng hóa có tác dụng trong giải khát, ngâm tắm và du lịch nghỉ dưỡng... Tuy nhiên, các tỉnh ở khu vực này chưa khác thác hết tiềm năng hiện có.
TS. Ngô Tuấn Tú, Phó chủ tịch Hội Địa chất Thủy văn Việt Nam cho biết, toàn vùng Tây nguyên hiện có 26 nguồn nước khoáng, nước nóng, tập trung nhiều nhất ở Kon Tum (14 nguồn), tiếp đến là Lâm Đồng (7), Gia Lai (4) và Đắk Nông (1). Các nguồn nước khoáng, nước nóng thiên nhiên được phát hiện chủ yếu trong các thành phun trào bazan; một số nguồn trong cát kết, bột kết...
Theo đó, toàn vùng có 26/26 nguồn nước đều có thể khai thác sử dụng cho mục đích ngâm tắm, nghỉ dưỡng; có 7 nguồn kết hợp với đóng chai; 2 nguồn kết hợp chữa bệnh; 3 nguồn kết hợp khai thác địa nhiệt (nhờ có nhiệt độ trên >60 độ C) và 1 nguồn kết hợp khai thác khí CO2.
Trong số này, có nguồn Đăk Mil (tỉnh Đắk Nông) đã được Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam thăm dò và kết quả đã được hội đồng xét duyệt trữ lượng khai thác. Bên cạnh đó, có 4 nguồn ở Lâm Đồng được Sở Khoa học và Công nghệ điều tra, đánh giá trữ lượng và chất lượng. Số nguồn nước khoáng, nước nóng còn lại chỉ mới điều tra ở mức độ cơ bản, đủ điều kiện để xác định tài nguyên dự tính cấp C2 nên việc đầu tư khai thác sử dụng còn rất hạn chế, chưa đúng với tiềm năng của chúng.
"Chưa kể, các tỉnh Tây Nguyên còn có một số nguồn nước nằm gần các đô thị, danh lam thắng cảnh, di tích lịch sử, có thể xây dựng thành những khu du lịch - ngâm tắm - nghỉ dưỡng - chữa bệnh… làm phong phú và tăng sự hấp dẫn cho người dân địa phương, du khách thập phương khi đến với Tây Nguyên hùng vĩ", TS Tú cho biết thêm.
Tuy nhiên, theo các chuyên gia địa chất, việc khai thác các tài nguyên, nhất là tài nguyên nước tại các tỉnh Tây Nguyên cũng đã đặt ra nhiều khó khăn như: Địa hình phức tạp, cơ sở hạ tầng còn thiếu và không đồng bộ. Khí hậu khắc nghiệt, mùa khô kéo dài, mưa ít, lượng bốc hơi lớn cộng với mực nước các sông, hồ rất thấp so với mặt đất canh tác, dẫn đến cấp nước phục vụ khó khăn và suất đầu tư lớn.
Chia sẻ kinh nghiệm khai thác nguồn tài nguyên nước khoáng, nước nóng hiệu quả, PGS.TS Nguyễn Viết Lượng, đại diện đơn vị khai thác nguồn nước khoáng nóng Đắk Mil cho biết, đây là mỏ nước khoáng núi lửa rất hiếm nhờ chứa hơn 10 loại khoáng chất quý, hàm lượng cao và đặc biệt ngậm CO2 tự nhiên, có trữ lượng lớn. Từ năm 2020, đơn vị bắt đầu quá trình khảo sát, xét nghiệm thành phần của mỏ nước khoáng này để đưa vào khai thác bài bản và khoa học.
Tuy nhiên, muốn khai thác hiệu quả tài nguyên nước, theo các chuyên gia khoa học, các tỉnh Tây Nguyên cần thực hiện đa dạng hóa sản phẩm nông nghiệp, ưu tiên các sản phẩm nông nghiệp có giá trị kinh tế cao; tiếp tục mở rộng diện tích rừng và tăng nhanh độ che phủ rừng đi đôi với công tác bảo vệ rừng; phát triển các công trình thủy điện trên dòng đập chính, đáp ứng yêu cầu điện của quốc gia và phục vụ hợp tác trao đổi điện vùng biên giới với Lào và Campuchia.
Theo đó, định hướng chiến lược phát triển tài nguyên nước toàn vùng là phải tăng cường hoàn thiện thể chế, tổ chức cho công tác quản lý tài nguyên nước; tăng cường bảo vệ nguồn nước và bảo vệ hệ sinh thái thủy sinh; bảo đảm tính bền vững, hiệu quả trong khai thác sử dụng, phát triển bền vững tài nguyên nước, giảm thiểu tác hại do nước gây ra; phát triển nguồn nhân lực, khoa học, công nghệ; tăng mức đầu tư và đẩy mạnh xã hội hóa các dịch vụ về nước; mở rộng và nâng cao hiệu quả hợp tác quốc tế...