Thiết bị trên được chế tạo từ các tấm nano SnS - một loại vật liệu siêu mỏng, với độ dày chỉ 10 nanomet - bằng 1/2 độ dày của các thiết bị sử dụng tia X hiện nay và mỏng hơn khoảng 10.000 lần so với 1 tờ giấy.
Theo các nhà khoa học, đây là lần đầu tiên vật liệu này được sử dụng để chế tạo máy dò tia X. Tấm nano SnS cho phép hấp thụ tia X hiệu quả, giúp các nhà sinh vật học quan sát các tương tác và quy trình tương tác tế bào với "độ phân giải thời gian" cao hơn. Trước đây, các nhà khoa học chỉ có thể nghiên cứu kết quả của những tương tác tế bào chứ không thể quan sát quy trình một cách chi tiết.
Giáo sư Jacek Jasieniak của Khoa Khoa học và Kỹ thuật vật liệu thuộc Đại học Monash, tác giả chính của nghiên cứu, cho biết thiết bị này cho hình ảnh gần như ngay lập tức. Khác với các tia X "cứng" thường được sử dụng trong y khoa, đặc biệt là để chụp chiếu gãy xương, các tia X "mềm" được sử dụng để nghiên cứu cấu trúc của các mẫu sinh vật ở cấp độ nano, như mẫu mô.
Theo các nhà nghiên cứu, cần có thêm thời gian để khám phá tiềm năng đầy đủ của thiết bị. Bước tiếp theo, nhóm sẽ thử nghiệm độ dày khác nhau của thiết bị trong các môi trường tế bào sinh học. Thiết bị giúp tạo tiền đề cho việc phát triển các thiết bị tân tiến hơn.
Tia X đã giúp đem lại một số khám phá khoa học vĩ đại nhất được thực hiện trong thế kỷ 20, bao gồm xác minh bản chất sóng của các photon, định lượng cấu trúc của vật liệu và ghi lại hình ảnh các mô và cấu trúc bên trong cơ thể sống.
Nghiên cứu được đăng tải trên tạp chí chuyên ngành Advanced Functional Materials.