Trước khi bà Helen Reichert ở New York (Mỹ) qua đời một tuần trước khi bước sang tuổi 110, bà thích uống bia Budweiser và đang cân nhắc hút thuốc lá trở lại. Em trai của bà là ông Irving Khan đã nối gót bà 4 năm sau đó, trút hơi thở cuối cùng ở tuổi 109. Ông là nhà đầu tư Phố Wall sống thọ nhất.
Hiện tại, những người “siêu thọ” sống trên 110 tuổi đều qua đời ở cột mốc gần như giống nhau, với hầu hết sống tới 110 hoặc 115 tuổi là tối đa.
Chỉ có một người phụ nữ sống tới 120 tuổi là bà Jeanne Calment ở Pháp. Cụ bà này được cho là thọ 122 tuổi khi bà qua đời vào năm 1997.
Giờ đây, nhiều chuyên gia tin rằng giới hạn của những người “siêu thọ” đó sẽ sớm bị vượt qua.
Trong bài báo được xuất bản trên tạp chí PLOS One hôm 29/3, Giáo sư quản lý rủi ro David McCarthy tại Đại học Georgia đã tính toán rằng trong vài thập kỷ tới, chúng ta có thể thấy mọi người - đặc biệt là phụ nữ - sống qua mốc tuổi 122.
Ví dụ, ở Nhật Bản, các mô hình của McCarthy cho thấy các bà sinh năm 1940 có thể đạt được độ tuổi tối đa khoảng 125 - 130 tuổi. Ở Mỹ, độ tuổi từ 120 - 125 là giới hạn mà nhóm phụ nữ sinh năm 1940 có thể vượt qua.
Giáo sư McCarthy nói rằng khi kết hợp lại với nhau, các mô hình toán học này cho thấy tuổi tối đa của chúng ta không phải là hằng số về mặt sinh học, mà nó đang tăng lên, ít nhất là cho đến thời điểm hiện tại.
Nhưng không phải tất cả các nhà nghiên cứu đều tin rằng tuổi thọ tối đa của những người già nhất đang thực sự tăng lên.
Ông Brandon Milholland, cựu bác sĩ tại Đại học Y khoa Albert Einstein, đồng tác giả của một nghiên cứu trên tạp chí Nature năm 2016 cho rằng các giới hạn về tuổi thọ của con người đã không thực sự thay đổi kể từ những năm 1990. Theo ông, độ tuổi tối đa của một người vẫn dao động, trung bình khoảng 115 năm.
"Đó không phải là giới hạn không thể phá vỡ, mà là giới hạn không bị phá vỡ”, ông Milholland nói với Insider. Ông tin rằng sau cùng, con người có thể tìm ra những cách giảm tuổi sinh học khi họ già đi. Nếu chúng ta tìm ra “chìa khóa”, mọi người có thể sống lâu hơn nữa.
Theo ông Milholland, các chuyên gia bây đang điều trị nhiều triệu chứng lão hóa, chứ không phải bản thân quá trình lão hóa.
Hiện tại, ông Milholland và ông McCarthy đều đồng ý phần nào đó với định luật Gompertz rằng nguy cơ tử vong của một người tăng gấp đôi sau mỗi 8 năm kể từ khi trưởng thành. Nhưng mô hình tính toán mới của ông McCarthy lại cho thấy nguy cơ tử vong sẽ ổn định lại khi con người bước qua sinh nhật lần thứ 100.
Trong khi đó, ông Brandon Milholland không đồng ý với ý kiến cho rằng nguy cơ tử vong của một người giảm dần khi về già. Ông nói nó không có ý nghĩa gì về mặt sinh học, và yếu tố này đã không được quan sát thấy trên dữ liệu gần đây về những người “siêu thọ” ở Italy và Pháp. Ông cho hay dữ liệu đó còn quá thưa thớt.
Thế nhưng, trên thực tế, ngay cả khi không có những cải tiến rõ rệt về độ tuổi tối đa của con người, chúng ta vẫn có thể thấy số lượng người đạt 120 tuổi trở lên sẽ gia tăng trong những thập kỷ tới, đơn giản vì có nhiều người được sinh ra hơn trong thời kỳ bùng nổ dân số vào thập niên 40, 50 và 60.
Các chuyên gia lão hóa đang nghiên cứu về việc liệu các loại thuốc rẻ tiền như rapamycin hay metformin có thể kéo dài tuổi thọ khỏe mạnh của con người hay không, giống như đã làm được với chuột và ruồi. Những tiến bộ trong việc nghiên cứu các bệnh lão khoa như Alzheimer cũng có thể giúp giới chuyên gia gỡ rối vấn đề, chẳng hạn như yếu tố rủi ro và yếu tố bảo vệ nào về di truyền sẽ giúp quyết định ai sống lâu và ai chết sớm.
Nhưng chắc chắn, không có công thức “siêu thọ” chính xác nào cho tất cả chúng ta. Thay vào đó, tuổi thọ của một người có thể được quyết định bởi sự kết hợp của nhiều yếu tố phức tạp và khó nắm bắt, bao gồm di truyền, lối sống, môi trường và các yếu tố khác.