Theo kênh RT (Nga), các loài sinh vật biển như bạch tuộc, mực có lớp mô đặc biệt trên cơ thể, cho phép chúng kiểm soát mức độ phản xạ ánh sáng và dễ dàng trà trộn vào môi trường xung quanh để lẩn trốn hoặc săn mồi.
Các nhà nghiên cứu thuộc Đại học California (Mỹ) đã phát triển thành công tế bào con người có khả năng ngụy trang tương tự.
“Dự án của chúng tôi tập trung nghiên cứu, biến đổi hệ thống tế bào và các mô với khả năng kiểm soát quá trình truyền, phản xạ và hấp thụ ánh sáng”, tác giả nghiên cứu Atrouli Chatterjee – nghiên cứu sinh tại khoa kỹ thuật hóa học và phân tử sinh học – giải thích.
Chatterjee cho biết ý tưởng nghiên cứu xuất phát từ cơ chế tự vệ của mực cái Doryteuthis opalescens. Loài sinh vật này có thể dùng một nhóm protein có tên gọi reflectin để chuyển đổi màu của lớp vỏ, biến từ gần như trong suốt sang màu trắng đục và ngược lại.
Đội ngũ nghiên cứu đã lấy các hạt protein trong loại mực này để giúp tế bào con người có khả năng kỳ diệu. Gorodetsky - đồng tác giả nghiên cứu - cho biết tế bào được biến đổi hoạt động gần như tương tự tế bào của con mực. Những tế bào tiếp xúc nhiều với muối ăn natri clorua sẽ tán xạ ánh sáng nhiều hơn và làm cho vật thể hiện hình rõ hơn trong môi trường xung quanh.
Tuy nhiên, phải rất lâu sau con người mới có thể thực hiện được mong muốn tàng hình vì giờ kết quả đột phá này chỉ áp dụng giới hạn trong kỹ thuật hiển vi y học và sinh học.