Toyo Engineering sẽ tiến hành nghiên cứu khả thi với Tập đoàn Phân bón Indonesia (Pupuk Indonesia Holding) thuộc sở hữu của nhà nước tại một nhà máy phân bón đang hoạt động.
Bằng cách sử dụng các cơ sở có sắn tại nhà máy do Toyo Engineering xây dựng và được công ty con Pupuk Iskandar Muda của Pupuk Indonesia vận hành, hai bên có thể giảm bớt chi phí đầu tư ban đầu cho việc sản xuất amoniac không phát thải. Nhà máy sẽ cần ít thiết bị mới hơn, đồng thời cho phép bắt đầu sản xuất nhanh hơn.
Trước đây, hoạt động sản xuất amoniac dùng cho phân bón cần nguyên liệu hydro có nguồn gốc từ nhiên liệu hóa thạch. Song điều này sẽ được thay thế một phần bằng hydro “xanh” được sản xuất bằng cách sử dụng các nguồn năng lượng tái tạo như năng lượng Mặt Trời và địa nhiệt.
Ngoài dùng cho phân bón, Toyo Engineering và đối tác Indonesia còn dự kiến sử dụng amoniac “xanh” như một loại nhiên liệu sạch để cung cấp năng lượng cho các tàu thuyền.
Cũng theo kế hoạch nghiên cứu khả thi, Toyo Engineering sẽ sắp xếp lại nhà máy để các trang thiết bị cũ có thể sản xuất hydro với nguồn năng lượng tái tạo.
Một thách thức trong việc sử dụng năng lượng tái tạo là sản lượng không ổn định song điều này sẽ được giải quyết bằng hệ thống pin lưu trữ.
Ngoài việc cải tạo cơ sở cũ của Pupuk Iskandar Muda, Toyo Engineering và đối tác cũng có kế hoạch đưa hệ thống này sang các nhà máy phân bón khác thuộc Tập đoàn Pupuk Indonesia.