Điểm đặc biệt của các robot Paro là cơ thể, râu và mũi được trang bị các cảm biến thị giác, xúc giác và thính giác. Bên cạnh đó, các robot “thú cưng” này cũng được trang bị trí tuệ nhân tạo (AI) để nhận diện môi trường xung quanh và phản ứng khi được vuốt ve với âm thanh tương ứng.
Các chú robot hải cẩu này có thể ghi nhớ các biệt danh của mình và phản ứng với chúng khi có người gọi. Và nếu được ôm trong thời gian đủ lâu, Paro có thể hình thành các thói quen của riêng mình.
Các chú hải cẩu này rất giống thú cưng nên có thể giúp bệnh nhân cảm thấy tĩnh tâm hơn. Nghiên cứu lâm sàng cho thấy các triệu chứng không trọng yếu ở những người mắc chứng mất trí nhớ sẽ thuyên giảm khi họ ôm và nói chuyện với Paro. Ở Anh, Paro được đưa vào văn bản hướng dẫn của một tổ chức chính phủ về các phương án điều trị chứng mất trí nhớ không dùng thuốc được bảo hiểm y tế Nhà nước chi trả.
Chia sẻ với các phóng viên, ông Takanori Shibata - "cha đẻ" của Paro và là nhà nghiên cứu tại Viện Khoa học và Công nghệ Công nghiệp tiên tiến quốc gia (AIST) của Nhật Bản, chia sẻ: “Tôi nảy ra ý tưởng chế tạo robot thú cưng bởi vì tôi nghĩ rằng người tiêu dùng chắc chắn sẽ chào đón những cỗ máy không làm các công việc nhà đơn thuần như giặt quần áo hay dọn phòng”.
Theo ông Shibata, khi bắt đầu nghiên cứu về robot “thú cưng” vào năm 1993, ông gặp không ít khó khăn trong việc tìm kiếm nguồn vốn tài trợ ở Nhật Bản. Vì thế, ông đã bắt đầu công trình nghiên cứu này trong lúc kiêm nhiệm vai trò nhà nghiên cứu tại Phòng thí nghiệm AI của Viện Công nghệ Massachusetts (MIT) ở Mỹ - nơi việc sử dụng động vật để trị liệu đã trở thành đề tài nghiên cứu chính thức từ 3 thập kỷ trước và đã được sử dụng để giúp đỡ cho tất cả mọi người, từ bệnh nhân ung thư đến trẻ khuyết tật.
Trong quá trình nghiên cứu, ông Shibata đã tạo ra 3 nguyên mẫu mô phỏng 3 loại thú cưng, gồm chó, mèo và hải cẩu. Sau đó, ông đưa cho các sinh viên MIT sử dụng thử nghiệm. Ban đầu, các sinh viên ở đây đều cảm thấy hứng thú với robot chó và mèo, nhưng cuối cùng, hầu hết đều đánh giá chúng thấp hơn so với robot hải cẩu.
Sau khi Paro thế hệ đầu tiên ra mắt vào năm 1998, ông Shibata đã không ngừng thực hiện các cải tiến cho robot như giảm trọng lượng. Đến Paro thế hệ 8, robot thú cưng này đã sẵn sàng cho việc sản xuất hàng loạt. Mặc dù vậy, giá bán của Paro thế hệ 9 - thế hệ mới nhất - vẫn không hề rẻ, lên tới 450.000 yen (3.200 USD) ở thị trường Nhật Bản và thậm chí có thể cao gần gấp đôi ở các thị trường khác.
Cho dù có giá bán cao nhưng những lợi ích mà Paro mang lại được đánh giá là tương xứng với chi phí mà người dùng bỏ ra. Trước hết, mặc dù thú cưng thường bị “cấm cửa” ở các trung tâm y tế, nhưng tính năng kháng khuẩn của lông nhân tạo sử dụng trên Paro vẫn giúp nó có thể ở chung với bệnh nhân trong các khu chăm sóc đặc biệt. Bên cạnh đó, ngoài việc giúp trị liệu tâm lý, chủ nhân của Paro cũng không phải chịu tổn thương khi thú cưng qua đời.
Hiện nay, ông Shibata đang nỗ lực để thực hiện mục tiêu đưa Paro trở thành một thiết bị y tế tại Nhật Bản. Nhà nghiên cứu này cho biết đang triển khai các kế hoạch thử nghiệm lâm sàng Paro với một bệnh viện ở Nhật Bản. Ông tin tưởng Paro mang lại giải pháp giảm chi phí xã hội nhờ giảm thiểu việc sử dụng thuốc và thông qua các biện pháp khác.