Mới đây, tập đoàn Công nghệ y sinh học Bonus của Israel thông báo họ đã phát triển thành công mô xương trong môi trường phòng thí nghiệm. Các mô xương này sau đó được cấy ghép vào xương hàm của các bệnh nhân, những bệnh nhân bị vỡ hay vì lý do nào đó thiếu hụt một phần xương hàm.
Hãng Reuters đưa tin, Bonus đã công bố kết quả thử nghiệm lâm sàng thành công sau khi tách các tế bào mỡ từ 11 người bệnh và tạo ra một loại xương ở dạng thể bán lỏng (semi-liquid), các nhà nghiên cứu gọi đây là “chất phủ sinh học”.
Kết quả cấy ghép thử nghiệm đã thành công trên tất cả 11 bệnh nhân, đại diện Tập đoàn Bonus cho biết.
Hiện nay ngành y học trên thế giới đang sử dụng ba phương pháp cấy ghép xương cơ bản là sử dụng xương tự thân (lấy một phần nhỏ xương từ các vị trí khác trên cơ thể, thường là xương hông, xương hàm, xương cằm, xương sọ… để thay thế phần xương thiếu hụt), sử dụng xương bán nhân tạo và sử dụng xương nhân tạo hoàn toàn. Các phương pháp này đều được đánh giá là rất mất thời gian, có khi còn gây đau đớn, nguy hiểm cho bệnh nhân và đặc biệt là chi phí rất tốn kém.
Tuy nhiên, ông Shai Meretzki, Giám đốc điều hành của Bonus khẳng định phương pháp ghép xương bằng “chất phủ sinh học” là phương pháp tiên tiến nhất hiện nay.
Đây chính là kỹ thuật xâm lấn tối thiểu hay còn gọi là “phẫu thuật xanh”. Kỹ thuật này không dùng dao kéo nên không gây đau đớn cho bệnh nhân, tính an toàn rất cao, phục hồi nhanh chóng và chi phí rẻ hơn sao với các phương pháp trước đây. Người bệnh chỉ cần một mũi tiêm duy nhất. Xương của người bệnh cũng không tự đào thải các chất liệu mới khi được cấy ghép do chất này có nguồn gốc AND của chính người bệnh.
Ông Shai Meretzki cho biết thêm, các thử nghiệm tiếp theo của Bonus sẽ được tiến hành trên xương chân và xương tay.
Mặc dù là một quốc gia nhỏ với dân số chưa đến 9 triệu dân nhưng Israel là một trong những nước đi đầu thế giới trên lĩnh vực công nghệ y học. Truyền thông nước này khẳng định tính đến tháng 5/2016 Israel đóng góp từ 25-28% các phát minh công nghệ y học cho thế giới.