Theo Thời báo Hoàn cầu, hai nhà khoa học Qiu Renzong thuộc Viện Khoa học Xã hội Bắc Kinh và Lei Ruipeng thuộc Đại học Khoa học Công nghệ Hoa Trung (Vũ Hán, Trung Quốc) đã trình một dự thảo đề xuất, kêu gọi chính phủ ban hành chính sách bảo vệ những đứa trẻ đặc biệt trên trước sự phân biệt đối xử.
Dự thảo bao gồm đề xuất bộ gen của nhóm trẻ này cần được theo dõi và kiểm tra thường xuyên xem có xảy ra bất thường hay không. Sau khi đủ 18 tuổi, với sự hỗ trợ của các chuyên gia di truyền, các em nên được cha mẹ thông báo về việc bộ gen của chúng đã được chỉnh sửa.
Đề xuất cũng kêu gọi các nhà chức trách thành lập một tổ chức nghiên cứu và chăm sóc đặc biệt với những đứa trẻ bị chỉnh sửa gen, cũng như lập một quỹ đầu tư. Dự thảo đề xuất đã được công bố trên tạp chí khoa học Nature ngày 25/2.
Một số nhà nghiên cứu quốc tế lo ngại đề xuất này có thể dẫn tới việc giám sát không cần thiết đối với cuộc sống của những đứa trẻ. Tuy nhiên, theo ông Qiu, các kỹ thuật chỉnh sửa gen ở giai đoạn hiện nay vẫn còn sơ khai, kèm theo tiềm ẩn những bất thường ngay cả khi mục tiêu được hoàn thành. Đặc biệt, những dị tật có thể được truyền cho thế hệ sau.
Năm 2018, nhà khoa học người Trung Quốc He Jiankui đã làm chấn động giới khoa học khi thông báo tạo ra một cặp bé gái song sinh biến đổi gen đầu tiên trên thế giới.
Tháng 12/2019, Tòa án Trung Quốc đã kết án nhà khoa học này 3 năm tù và phạt 430.000 USD vì vi phạm các quy định và nguyên tắc đạo đức. Dẫn một số nguồn tin giấu tên, một số phương tiện truyền thông cho biết ông He sẽ sớm được trả tự do.