Theo một nghiên cứu mới đây tại Mỹ, Anh, Đức, Trung Quốc và Nhật Bản, hàng triệu người Thế hệ Z (sinh năm 1997 - 2012) và Thế hệ Y (sinh năm 1981 – 1996) đang sử dụng mạng xã hội để tìm kiếm và nghiên cứu thông tin về tình trạng sức khỏe của họ, với hai lý do hàng đầu là khó tiếp cận cơ sở y tế và thiếu khả năng chi trả.
Nghiên cứu của Hall&Partners và công ty tư vấn chăm sóc sức khỏe ThinkNext chỉ ra rằng riêng tại Anh đã có hơn 6 triệu người tìm đến mạng xã hội để xin lời khuyên về cách xử lý với các bệnh mãn tính hoặc các vấn đề sức khỏe tổng quát.
Hai thế hệ nhiều tuổi hơn – Thế hệ X (khoảng 40 – 50 tuổi) và Thế hệ bùng nổ trẻ sơ sinh (khoảng 60 – 70 tuổi) – ít “chẩn đoán” bệnh trên mạng xã hội hơn.
Trong tất cả bốn thế hệ trên, 52% người được hỏi cho biết họ đã sử dụng ít nhất một công cụ hoặc một kênh sức khỏe trực tuyến nhiều lần.
Đối với Thế hệ Z, TikTok đã được chứng minh là ứng dụng truyền thông xã hội phổ biến nhất, tiếp theo là Instagram và Twitter. Trong khi đó, Thế hệ Y ưa thích Facebook nhất, tiếp theo là TikTok và Twitter.
Nghiên cứu trên được thực hiện trong khoảng thời gian từ tháng 7 – 9/2022, dựa trên câu trả lời của 10.500 người tham gia ở Mỹ, Trung Quốc, Anh, Đức và Nhật Bản.
Kết quả trên cũng tương đồng với nghiên cứu do dịch vụ dược phẩm CharityRx của Mỹ thực hiện, cho thấy rằng 1/3 Thế hệ Z tham khảo ý kiến từ TikTok để được tư vấn về sức khỏe, với 44% khác dựa vào các gợi ý trên YouTube trước khi đến gặp bác sĩ.
Nhìn chung, cuộc khảo sát đó cho thấy khoảng 20% người Mỹ tìm kiếm lời khuyên trên TikTok trước khi gặp chuyên gia y tế. Khi được hỏi về lý do, 37% nêu lý do là hạn chế khả năng tiếp cận, trong khi hơn 33% cho là vì thiếu khả năng chi trả.