Thông báo được đưa ra trong bối cảnh Mỹ-Trung đang cạnh tranh trong việc đạt được các cột mốc quan trọng trong lĩnh vực không gian vũ trụ, giành ảnh hưởng đối với các sự kiện toàn cầu.
Theo hãng tin AP, điều này đã gợi lại những ký ức về cuộc chạy đua vào không gian giữa Mỹ và Liên Xô (cũ) trong những năm 1960 và 1970, mặc dù chi tiêu, chuỗi cung ứng và năng lực của Mỹ được cho là mang lại cho họ lợi thế đáng kể so với Trung Quốc, ít nhất là cho đến thời điểm hiện tại.
Mỹ đặt mục tiêu đưa các phi hành gia trở lại Mặt Trăng vào cuối năm 2025 như một phần của cam kết đổi mới đối với các nhiệm vụ có phi hành đoàn, được các công ty tư nhân như SpaceX và Blue Origin hỗ trợ.
Phó giám đốc Cơ quan vũ trụ Trung Quốc Lin Xiqiang đã xác nhận các mục tiêu kép tại một cuộc họp báo ngày 29/5 nhưng không đưa ra ngày thực hiện cụ thể. Cơ quan này cũng đã giới thiệu 3 phi hành gia sẽ được đưa lên trạm vũ trụ của Trung Quốc trong một vụ phóng dự kiến vào sáng 30/5. Họ sẽ thay thế một phi hành đoàn đã ở trên trạm quỹ đạo trong 6 tháng qua.
Theo ông Lin Xiqiang, Trung Quốc đang chuẩn bị cho “một chuyến đi ngắn trên bề mặt Mặt Trăng và một nhiệm vụ thăm dò chung phối hợp giữa con người và robot”.
“Chúng tôi có một trạm vũ trụ hoàn chỉnh gần Trái Đất và hệ thống đưa người lên. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng thực hiện quy trình lựa chọn, đào tạo và hỗ trợ các phi hành gia mới”, ông Lin nói.
Trạm vũ trụ Thiên Cung của Trung Quốc được cho là đã hoàn thành vào tháng 11/2022 sau khi ghép nối thành công mô-đun thứ 3. Ông Lin cho biết mô-đun thứ 4 sẽ được phóng “vào thời điểm thích hợp để tăng cường hỗ trợ cho các thí nghiệm khoa học và cung cấp cho phi hành đoàn điều kiện sống và làm việc được cải thiện”.
Bộ ba phi hành gia trên tàu Thần Châu-16 sẽ tiếp nối công việc của 3 phi hành gia vốn đang sống trên trạm Thiên Cung, tiến hành các thí nghiệm và lắp ráp thiết bị bên trong và bên ngoài tàu.
Đây là lần đầu tiên phi hành đoàn có một người ngoài quân đội được đưa lên trạm vũ trụ Thiên Cung. Tất cả các thành viên phi hành đoàn trước đây đều phục vụ trong quân đội.
Gui Haichao, Giáo sư tại viện nghiên cứu hàng không vũ trụ hàng đầu của Bắc Kinh, sẽ tham gia nhiệm vụ lên trạm Thiên Cung với tư cách là chuyên gia về trọng tải cùng chỉ huy Jing Haipeng và kỹ sư tàu vũ trụ Zhu Yangzhu. Phát biểu với giới truyền thông tại địa điểm phóng bên ngoài thành phố Tửu Tuyền, chỉ huy Jing cho biết sứ mệnh đánh dấu “một giai đoạn ứng dụng và phát triển mới” trong chương trình không gian của Trung Quốc.
Nhiệm vụ không gian có người lái đầu tiên của Trung Quốc vào năm 2003 đã đưa nước này trở thành quốc gia thứ ba sau Liên Xô và Mỹ đưa người vào không gian.
Trung Quốc đã xây dựng trạm vũ trụ của riêng mình sau khi bị loại khỏi Trạm Vũ trụ Quốc tế (ISS), phần lớn là do sự phản đối của Mỹ đối với các chương trình không gian của Trung Quốc có mối quan hệ mật thiết với Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA).
Không gian ngày càng được coi là một lĩnh vực cạnh tranh mới giữa Trung Quốc và Mỹ — hai nền kinh tế lớn nhất thế giới và là đối thủ về ảnh hưởng ngoại giao và quân sự.
Các phi hành gia mà Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ (NASA) phóng lên Mặt Trăng vào cuối năm 2025 sẽ nhắm đến cực Nam của vệ tinh này, nơi các miệng núi lửa bị che khuất vĩnh viễn được cho là chứa đầy nước đóng băng.
Các kế hoạch thiết lập căn cứ phi hành đoàn lâu dài trên Mặt Trăng cũng đang được cả hai nước xem xét, đặt ra câu hỏi về quyền và lợi ích trên bề mặt Mặt Trăng. Trong khi luật pháp Mỹ hạn chế nghiêm ngặt sự hợp tác giữa các chương trình không gian của hai nước thì Trung Quốc nói rằng họ hoan nghênh sự hợp tác của nước ngoài. Tuy nhiên, cho đến nay, điều đó vẫn chỉ giới hạn trong lĩnh vực nghiên cứu khoa học.
Phát biểu tại Tửu Tuyền, Giám đốc phụ trách công nghệ của cơ quan vũ trụ Trung Quốc ông Li Yingliang cho biết Trung Quốc hy vọng có nhiều sự hợp tác quốc tế hơn, bao gồm cả với Mỹ.
“Lập trường nhất quán của đất nước chúng tôi là, miễn sử dụng không gian vì mục đích hòa bình, chúng tôi sẵn sàng hợp tác và liên lạc với bất kỳ quốc gia hoặc tổ chức hàng không vũ trụ nào”, ông Li nhấn mạnh.