Theo báo Bưu điện Hoa Nam buổi sáng, phát hiện mới được công bố ngày 12/8, dựa trên các phép đo địa chấn từ tàu đổ bộ sao Hoả InSight của Cơ quan Hàng không và Vũ trụ Mỹ (NASA). Nghiên cứu mới hé lộ hơn 1.300 trận động đất từng xảy ra trên sao Hỏa trước khi ngừng hoạt động 2 năm trước.
Nhà khoa học chính Vashan Wright, thuộc Viện Hải dương học Scripps tại Đại học California San Diego, cho biết lượng nước - được cho là nằm sâu từ 11,5 km đến 20 km trong lớp vỏ sao Hỏa - rất có thể đã rò rỉ ra từ bề mặt hàng tỷ năm trước khi sao Hỏa có sông, hồ và có thể là đại dương.
Song ông Wright cho rằng chỉ vì nước có thể chảy bên trong sao Hỏa không có nghĩa là hành tinh này tồn tại sự sống.
“Thay vào đó, phát hiện của chúng tôi cho thấy những môi trường có thể tồn tại sự sống”, ông cho biết qua email.
Nhóm của ông Wright đã kết hợp các mô hình máy tính với các số liệu của tàu đổ bộ InSight, bao gồm vận tốc của các trận động đất, để xác định nước ngầm là lời giải thích có khả năng nhất cho giả thuyết sao Hỏa chứa đầy nước.
Ông Wright cho biết nếu vị trí của tàu đổ bộ InSight là tại Elysium Planitia (một đồng bằng rộng lớn nằm trên đường xích đạo của sao Hỏa), thì nước ngầm sẽ đủ để lấp đầy một đại dương toàn cầu sâu khoảng một 1 km đến 2 km.
Các nhà khoa học sẽ phải sử dụng máy khoan và các thiết bị khác để xác nhận sự hiện diện của nước và tìm kiếm bất kỳ dấu hiệu tiềm ẩn nào về sự sống của vi khuẩn.
Mặc dù tàu đổ bộ InSight không còn hoạt động nữa, các nhà khoa học vẫn tiếp tục phân tích dữ liệu thu thập được từ năm 2018 đến năm 2022, để tìm kiếm thêm thông tin bên trong sao Hỏa.
Dường như có bề mặt ẩm ướt hơn 3 tỷ năm trước, sao Hỏa được cho là đã mất nước bề mặt khi bầu khí quyển của hành tinh này mỏng đi, biến nó trở nên khô cằn, bụi bặm như ngày nay.
Các nhà khoa học đưa ra giả thuyết rằng phần lớn lượng nước cổ đại này đã thoát ra ngoài không gian hoặc vẫn bị chôn vùi bên dưới.