Theo hãng tin Kyodo, bộ trên đang xem xét kéo dài số năm hoạt động của các nhà máy điện hạt nhân bằng cách cân nhắc giai đoạn kiểm tra, vốn cần thiết để các nhà máy hoạt động đảm bảo an toàn, từ đó có thể cho phép các lò phản ứng hoạt động trong thời gian dài hơn. Trong quá trình kiểm tra an toàn, các nhà máy điện hạt nhân sẽ ngừng hoạt động.
Dự kiến, một ủy ban các chuyên gia thuộc Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản sẽ thảo luận về kéo dài thời hạn hoạt động của các nhà máy điện hạt nhân theo cách như vậy, với kế hoạch hoàn tất ra quyết định về vấn đề này vào cuối năm nay.
Theo các quy định an toàn hiện nay của Cơ quan quản lý hạt nhân Nhật Bản (NRA), các lò phản ứng hạt nhân ở nước này trên nguyên tắc có thời gian hoạt động tối đa là 40 năm. Tuy nhiên, nếu được NRA thông qua, giai đoạn này có thể được kéo dài thêm 20 năm.
Hồi tháng 8, Thủ tướng Fumio Kishida cho biết nước này sẽ thúc đẩy việc sử dụng điện hạt nhân, coi kế hoạch này là sự lựa chọn để Nhật Bản đạt được mục tiêu trung hòa khí carbon và đảm bảo nguồn cung điện ổn định.
Nhật Bản phụ thuộc nhiều vào nhiên liệu hóa thạch nhập khẩu để vận hành các nhà máy điện, với tỉ lệ tự cung tự cấp về năng lượng ở mức 12,1% trong tài khóa 2019. Tỉ lệ này thấp hơn nhiều so với nhiều nước phát triển khác.
Các công ty vận hành nhà máy điện hạt nhân phải đáp ứng được những quy định khắt khe mới có thể tái khởi động các lò phản ứng sau khi Nhật Bản ngừng hoạt động toàn bộ các nhà máy điện hạt nhân trên toàn quốc kể từ sau sự cố tại nhà máy điện hạt nhân Fukushima số 1 do trận động đất, sóng thần ngày 11/3/2011 gây ra. Đến nay, chỉ có ít lò phản ứng được đưa vào hoạt động trở lại trong khi người dân Nhật Bản vẫn lo ngại về độ an toàn của các lò này.