Cận thị là một tình trạng nhãn khoa phổ biến nhất hiện nay. Người mắc bệnh cận thị chỉ có thể nhìn rõ các vật ở gần và gặp khó khăn khi quan sát các vật ở xa. Bệnh nhân thường phải đeo kính gọng, kính áp tròng, hoặc phẫu thuật khúc xạ xâm lấn.
Tuy nhiên, một công ty Nhật Bản cho biết họ đã phát triển một phương pháp không xâm lấn mới để điều trị bệnh cận thị. Đó là chiếc kính có tên gọi Kubota Glasses. "Kính thông minh" chiếu hình ảnh từ thấu kính của bộ phận này lên võng mạc của người đeo để điều chỉnh tật khúc xạ gây cận thị.
Theo công ty, nếu đeo thiết bị này từ 60 đến 90 phút mỗi ngày, bệnh nhân sẽ khắc phục được tật cận thị. Được thành lập bởi Tiến sĩ Ryo Kubota, Kubota Pharmaceutical vẫn đang thử nghiệm thiết bị này.
Thông qua các thử nghiệm lâm sàng sâu hơn, các nhà nghiên cứu đang cố gắng xác định hiệu quả mà mắt kính thông minh này mang lại sẽ kéo dài bao lâu sau khi người dùng đeo nó. Đồng thời, họ cũng đang tìm hiểu xem người dùng sẽ cần đeo thiết bị trong bao nhiêu ngày để có thể xóa bỏ tật cận thị vĩnh viễn.
Theo một thông cáo báo chí của công ty từ tháng 12 năm ngoái, chiếc kính đặc biệt này dựa vào micro-LEDS để chiếu hình ảnh ảo lên tầm nhìn ngoại vi, kích thích võng mạc. Tuy nhiên, chiếc kính này sẽ không ảnh hưởng đến các hoạt động hàng ngày của người đeo.
Kubota Pharmaceutical đã bắt đầu thử nghiệm lâm sàng chiếc kính này vào mùa hè năm ngoái. Hiện họ cũng đang tiến hành thử nghiệm trên khoảng 25 người Mỹ để đánh giá hiệu quả của kính thông minh. Công ty cũng lên kế hoạch bắt đầu bán thiết bị này ở châu Á vào nửa cuối năm 2021, và cũng kế hoạch thâm nhập vào các thị trường khác trong tương lai.
Mặt khác, Kubota Pharmaceutical cũng đang phát triển một thiết bị hiệu chỉnh cận thị kiểu kính áp tròng đem lại hiệu quả tương tự sau kính thông minh.
“Chúng tôi dự định bán nó đầu tiên ở châu Á, nơi có tỷ lệ người cận thị cao”, ông Ryo Kubota nói.