Theo phóng viên TTXVN tại Sydney, trưởng nhóm nghiên cứu, Giáo sư Malcolm McCulloch - một chuyên gia về rạn san hô tại Đại học Tây Australia, cho biết loài bọt biển này hoạt động như một nhiệt kế đại dương hoàn hảo. Do chúng sống rất lâu, phát triển thành từng lớp, liên tục theo thời gian nên các nhà nghiên cứu thực sự có một bản theo dõi liên tục về những thay đổi theo thời gian và trong trường hợp này, các nghiên cứu có thể “trở lại” những năm 1700.
Giáo sư McCulloch thông báo nghiên cứu này đã được thực hiện trong gần một thập kỷ. Ông và nhóm nghiên cứu đã sử dụng các mẫu bọt biển được thu thập ngoài khơi Puerto Rico để tìm hiểu những thay đổi về nhiệt độ đại dương trong 300 năm qua. Theo các nhà nghiên cứu, phát hiện của họ cho thấy nhiệt độ toàn cầu có thể đã tăng 1,5 độ C kể từ thời kỳ tiền công nghiệp và mục tiêu giữ mức tăng nhiệt độ dưới 2 độ C có thể đạt được vào cuối thập kỷ này.
Hiện các nhà nghiên cứu cho rằng mức tăng nhiệt độ toàn cầu là 1,7 - 1,8 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp. Tuy nhiên, theo một số nhà khoa học khí hậu, những phát hiện mới này không ảnh hưởng tới các mục tiêu hiện tại của Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu. Giáo sư Mark Howden - Giám đốc Viện Giải pháp Khí hậu, Năng lượng và Thảm họa thuộc Đại học Quốc gia Australia, nói rằng nhiệt độ cơ bản khác nhau không có nghĩa là phải đặt lại mục tiêu của Hiệp định Paris là 1,5 độ C và 2 độ C.
Các chuyên gia khác cho rằng nghiên cứu này đưa ra ý tưởng rõ hơn về thời điểm hiện tượng nóng lên toàn cầu do con người gây ra thực sự bắt đầu. Theo Tiến sĩ Georgy Falster - nghiên cứu sinh sau tiến sĩ của Trung tâm Khoa học Khí hậu ARC tại Đại học Quốc gia Australia, trước đây, giới khoa học cho rằng con người bắt đầu thấy mô hình nóng lên toàn cầu này xuất hiện từ khoảng đầu những năm 1900. Nghiên cứu mới cho thấy hiện tượng đó đã xảy ra nhiều thập kỷ trước đó. Tuy nhiên, nhìn chung tất cả các nhà khoa học đều nhất trí cho rằng cần đẩy nhanh hành động hướng tới mức phát thải ròng bằng 0.