Nhân viên y tế lấy mẫu máu để thử đường huyết cho một bệnh nhân tại một trung tâm y tế ở Hyderabad (Ấn Độ). Ảnh: AFP/TTXVN |
Kết quả công trình nghiên cứu đăng trên tờ Lancet Planetary Health
cho thấy, trong năm 2016, cứ 7 ca mắc bệnh tiểu đường thì có 1 ca là do
ô nhiễm không khí. Đáng chú ý, chỉ với mức độ ô nhiễm khói bụi thấp
cũng làm tăng nguy cơ phát triển bệnh tiểu đường. Ước tính, ô nhiễm
không khí là nguyên nhân gây ra 3,2 triệu ca mắc bệnh tiểu đường mới
trên toàn cầu, chiếm khoảng 14% tổng số ca mắc bệnh này.
Theo các chuyên gia, ô nhiễm không khí được cho là làm giảm khả
năng sản xuất insulin của cơ thể, qua đó "ngăn cản quá trình chuyển hóa
chất glucose trong máu thành năng lượng mà cơ thể cần để duy trì sức
khỏe". Mọi người vẫn có nguy cơ cao mắc bệnh tiểu đường kể cả khi nồng
độ ô nhiễm không khí ở mức an toàn theo đánh giá của Cơ quan Bảo vệ môi
trường Mỹ (EPA) và Tổ chức Y tế thế giới (WHO).
Để đưa ra kết luận trên, các nhà khoa học đến từ Trường Y học
thuộc Đại học Washington đã tiến hành phân tích hồ sơ của 1,7 triệu cựu
quân nhân Mỹ không có tiền sử tiểu đường và theo dõi tình hình sức khỏe
của họ trong khoảng 8,5 năm. Thông tin về sức khỏe của các cựu binh Mỹ
được so sánh với thông tin về chất lượng không khí để tìm ra mối liên hệ
giữa ô nhiễm không khí và nguy cơ mắc bệnh tiểu đường. Sau đó, các nhà
khoa học đã sử dụng một mô hình đánh giá các nguy cơ tiểu đường trong
các điều kiện ô nhiễm không khí khác nhau.
Trưởng nhóm nghiên cứu Ziyad Al-Aly nhận định các
quy định về khí thải hiện nay vẫn chưa đủ an toàn và cần được thắt chặt.
Kết quả nghiên cứu này mang ý nghĩa quan trọng trong bối cảnh các tổ
chức vận động hành lang trong lĩnh vực công nghiệp cho rằng quy định về
mức thải khí hiện nay quá nghiêm ngặt.
Tiểu đường là nguyên nhân làm gia tăng nguy cơ mắc các bệnh về tim
mạch. Hiện trên thế giới có hơn 420 triệu người mắc bệnh này.