Theo đài Sputnik, phát hiện mang tính đột phá này đã được Tiến sĩ Yurina Sekine và các đồng nghiệp của bà tại Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Nhật bản tìm ra.
Cụ thể, các nhà khoa học nhận thấy “tonkotsu” – xương lợn thường được dùng để nấu nước dùng cho mì ramen - có khả năng "hấp thụ các vật chất có hại”.
Khi được ngâm trong dung dịch natri bicacbonat và nước, những chiếc xương lợn sẽ biến đổi và đạt đến "trạng thái giống như tấm xốp bọt biển". Chúng có thể hấp thụ một lượng lớn các chất như kim loại stronti, chì và cadmium gây ung thư.
Chức năng hấp thụ mới từ xương lợn có thể được sử dụng trong tương lai để giúp làm sạch các vùng nước bị ô nhiễm xung quanh nhà máy điện hạt nhân Fukushima số 1 và giúp ngăn chặn sự lây lan ô nhiễm kim loại nặng trong mạch nước ngầm.
Báo Nhật Bản Japan Insider chỉ ra rằng trong khi các chủ cửa hàng bán mì ramen chi tới 1 triệu yên (220 triệu đồng) mỗi năm để mua xương lợn ninh lấy nước, những miếng xương lợn bị vất đi có thể được thu gom, xử lý để tạo thành vật liệu hấp thụ chất phóng xạ và giúp bảo vệ môi trường, đồng thời cho phép ngành công nghiệp thực phẩm tiết kiệm chi phí.
Sự cố hạt nhân Fukushima số 1, một trong những thảm họa lớn nhất trong lịch sử nhân loại, xảy ra vào ngày 11/3/2011 sau trận động đất và sóng thần Sendai. Sự cố thảm khốc này đã khiến khoảng 160.000 người phải sơ tán khỏi tỉnh Fukushima do mức độ phóng xạ cao.