Các tác động của thiên thạch siêu nhỏ và sự bức xạ của gió Mặt Trời là những quá trình phong hóa không gian chiếm ưu thế, đồng thời là những yếu tố chính gây biến đổi thành phần và hỗn hợp vi mô của đất trên Mặt Trăng. Khác với thời tiết trên Trái Đất, khái niệm “thời tiết không gian” chỉ điều kiện môi trường không gian gần Trái Đất, gồm từ trường, tia bức xạ và vật chất phóng ra từ Mặt Trời.
Viện Khoa học Trung Quốc (CAS) cho biết một nhóm các nhà nghiên cứu đã làm sáng tỏ các đặc điểm thời tiết không gian của các khoáng chất khác nhau từ một lớp bazan duy nhất mà sứ mệnh Thường Nga-5 đã mang về. Qua phân tích mẫu vật, các nhà nghiên cứu nhận thấy các đặc điểm thời tiết không gian phụ thuộc vào các loại khoáng vật chủ.
Theo báo cáo nghiên cứu được đăng trên tạp chí Geophysical Research Letters ngày 15/4, các nhà khoa học đã sử dụng một loạt các phương pháp phân tích để thu thập thông tin hình thái học, khoáng vật học và tinh thể học trên lớp bazan nêu trên - một mẫu đất Mặt Trăng điển hình mà sứ mệnh Thường Nga-5 đã thu thập được, trong đó hầu hết các khoáng chất cấu thành đã thể hiện rõ trên bề mặt.
Ông Gu Lixin - một nhà nghiên cứu của CAS, đồng thời là tác giả chính của báo cáo trên - nhấn mạnh việc nắm rõ các quá trình và cơ chế của phong hóa không gian là đặc biệt quan trọng, nếu muốn hiểu được sự tiến hóa vật chất của bề mặt Mặt Trăng và môi trường không gian.
Nghiên cứu trên cũng cho thấy các mẫu đất Mặt Trăng mà sứ mệnh Thường Nga-5 thu thập được không có những khác biệt đáng kể về cấu trúc vi mô so với các mẫu đất mà chương trình Apollo của Mỹ mang về trước đó. Theo các nhà khoa học, điều này cho thấy vĩ độ ít có tác động đối với thời tiết không gian trên Mặt Trăng.
Tàu thăm dò Thường Nga-5 quay trở lại Trái Đất vào ngày 17/12/2020, thu được tổng cộng 1.731 gam mẫu vật từ Mặt Trăng, chủ yếu là đá và đất từ bề mặt Mặt Trăng.