Tuy nhiên, theo đài truyền hình CNN, các kỹ sư dường như đã tìm ra manh mối về nguyên nhân gây ra một số trục trặc tàu vũ trụ Starliner gặp phải trên chặng đi, bao gồm sự cố rò rỉ khí heli và động cơ đẩy đột ngột ngừng hoạt động trên đường tới Trạm Vũ trụ Quốc tế (ISS).
Theo ông Mark Nappi - Giám đốc chương trình phi hành đoàn thương mại của Boeing, Boeing và NASA đã dành vài tuần tìm hiểu vấn đề và lên kế hoạch thực hiện một số thử nghiệm bổ sung vào cuối tuần này.
Tại một cơ sở ở bang New Mexico, các kỹ sư đã đốt cháy các động cơ thử nghiệm hơn 1.000 lần, mô phỏng cách các bộ đẩy trên tàu Starliner trong không gian sẽ bốc cháy. Sau đó, họ kích hoạt động cơ đẩy để tìm được phương án khả thi nhất giúp động cơ có thể kích hoạt trên đường trở về Trái Đất.
Mục tiêu của thử nghiệm này là để hiểu rõ hơn lý do tại sao bộ đẩy của tàu vũ trụ đột ngột ngừng hoạt động và những rủi ro nếu có liên quan đến việc kích hoạt lại bộ đẩy đó.
Các quan chức cho biết họ có thể tái tạo lại tình trạng hư hỏng của động cơ đẩy trong không gian bằng các cuộc thử nghiệm trên mặt đất. Quá trình thử nghiệm có thể đã giúp các kỹ sư hiểu rõ hơn về nguyên nhân cốt lõi của vấn đề. Nhiệt tích tụ bên trong bộ đẩy có thể khiến các vòng đệm Teflon phồng lên, hạn chế dòng chảy của nhiên liệu đẩy.
“Cách khắc phục tự nhiên là chỉ thay lớp vòng đệm đó thành một loại vật liệu không quá nhạy cảm với việc bị mòn do tiếp xúc với nhiên liệu đẩy, ông Nappi đề cập đến những thay đổi có thể áp dụng cho các tàu vũ trụ Starliner trong tương lai.
Tuy nhiên, công việc trước mắt là xác định xem liệu sự cố rò rỉ trên tàu Starliner ở trong không gian có trở nên nghiêm trọng hơn hay không.
Theo ông Nappi, các thử nghiệm phần nào mang lại sự tự tin cho đội kỹ thuật về khả năng quay trở về của Starliner.
Những phát hiện trên cũng khiến Boeing và NASA từ bỏ kế hoạch cho phép các phi hành gia lái tàu vũ trụ Starliner theo cách thủ công trên đường về nhà, như những gì họ đã làm trên chuyến phóng vào ISS khi chỉ còn cách ISS một khoảng cách ngắn. Steve Stich – một quan chức cấp cao của NASA – chỉ ra một số thao tác thủ công chỉ gây thêm sức ép đối với các bộ đẩy.
Nỗ lực không ngừng để tìm hiểu vấn đề rò rỉ khí heli là một trong những lý do chính khiến NASA và Boeing vẫn chưa thể ấn định ngày trở lại cho hai phi hành gia Williams và Wilmore, hoặc đưa ra câu trả lời dứt khoát về việc liệu Starliner có sẵn sàng đưa họ về nhà hay không.
Trong một tuyên bố ngày 25/7, các quan chức NASA vẫn chưa có thể khẳng định rằng tàu vũ trụ Starliner chở các phi hành gia của NASA tới ISS chính là phương tiện đã đưa các phi hành gia trở về nhà.
Ông Stich lưu ý thêm NASA có các lựa chọn dự phòng nếu Starliner không đủ an toàn để đưa các phi hành gia về nhà. “Tất nhiên, tôi rất tự tin rằng chúng tôi có một phương tiện tốt để đưa phi hành đoàn trở về,” chuyên gia Nappi nói.
Ngày 6/6, hai nhà phi hành Williams và Wilmore trên Starliner đến ISS thực hiện sứ mệnh dự kiến kéo dài khoảng một tuần. Tính đến ngày 25/7, các phi hành gia đã ở ISS được khoảng 50 ngày. Trước đây, NASA từng đề cập sứ mệnh Starliner có thể ở ngoài không gian tối đa 90 ngày.