Từ nấm, bạch đàn cho đến tre, ngày càng nhiều các công ty khởi nghiệp coi những nguyên liệu tự nhiên này là giải pháp cho thời trang bền vững. Những công ty này đang được nhiều nhà bán lẻ thời trang toàn cầu như Hennes & Mauritz AB (H&M) của Thụy Điển để mắt đến, với hy vọng tất cả các sản phẩm sản xuất vào năm 2030 đều xuất phát từ vật liệu tái chế hoặc có nguồn gốc bền vững.
Trong đó, tảo đang thu hút được nhiều sự chú ý nhất, đơn giản vì tốc độ phát triển nhanh, giá thành rẻ, không tốn nhiều nước và có thể hút CO2 từ không khí. Thậm chí, quá trình quang hợp dưới nước còn tạo ra khoảng 70% oxy cho bầu khí quyển, tức nhiều hơn tất cả các khu rừng cộng lại.
Thông thường, những hàng dệt tổng hợp như polyester, loại rẻ nhất và dùng một lần, được làm từ nhiên liệu hóa thạch. Có đến 60% quần áo hiện nay đều được làm từ nhiên liệu hóa thạch. Thuốc nhuộm đen màu vải cũng có liên quan đến dầu thô.
Xuất phát từ điều này, Charlotte McCurdy - nhà nghiên cứu kiêm thiết kế và là Giáo sư trợ giảng tại Đại học bang Arizona, đã thực hiện rất nhiều thí nghiệm, áp dụng nhiều công nghệ và trải qua hàng trăm lần thất bại để có thể tạo ra loại nhựa trong suốt, ổn định, hoàn toàn không chứa chất tổng hợp và hóa chất độc hại. Năm 2018, cô bắt đầu thiết kế chiếc áo mưa làm từ tảo biển. Chiếc áo sau đó được trưng bày tại Bảo tàng Thiết kế Cooper Hewitt Smithsonian của thành phố New York vào năm 2019.
McCurdy đã hợp tác với nhà thiết kế thời trang Phillip Lim tại New York để thiết kế một chiếc váy màu xanh lá cũng từ nguyên liệu trên. McCurdy không thương mại hóa sáng kiến của riêng mình mà động lực lớn nhất của cô chỉ nhằm chứng minh cho mọi người thấy rằng thời trang cũng có thể tạo nên kỳ tích giống những gì cuộc cách mạng điện khí hóa đang làm đối với ô tô.
Năm 2016, Renana Krebs thành lập Algaeing. Krebs đã làm việc với cha mình, một kỹ sư nhiên liệu sinh học và phát triển thành công chất làm từ tảo thay thế cho thuốc nhuộm có nguồn gốc từ hóa chất.
Nhu cầu đối với thuốc nhuộm Algaeing bùng nổ vào năm ngoái. Công ty khởi nghiệp của Israel này đang làm việc hết công suất để hoàn thành các đơn đặt hàng thương mại đầu tiên từ nhiều nhà sản xuất quần áo và hàng dệt gia dụng. Algaeing cũng phát triển sợi làm từ tảo và dự kiến bắt đầu sản xuất thương mại vào năm tới.
Đến nay, Algaeing huy động được khoảng 5 triệu USD từ các nhà đầu tư. Đầu năm nay, Krebs đặt mục tiêu có thể thu hút thêm 15 triệu USD để có thể cho ra mắt nhiều loại thuốc nhuộm, mực và chỉ phù hợp với trang thiết bị sản xuất hiện có.
Krebs nói rằng các đối tác của họ sử dụng ít nước hơn, ít năng lượng hơn, rút ngắn thời gian vận chuyển và thời gian sản xuất. Thời gian trồng bông mất khoảng 180 ngày, trong khi tảo chỉ mất 3 tuần.
Tảo của Algaeing được trồng trong các trang trại khép kín chạy bằng năng lượng Mặt Trời ở miền Nam Israel. Lượng nước dùng cho tảo ít hơn tới 80% lúc tưới bông. Thuốc trừ sâu và các hóa chất dùng để sản xuất thuốc nhuộm thương mại cũng được hạn chế.
Theo Chương trình Môi trường Liên hợp quốc, quá trình sản xuất một chiếc quần jean tốn khoảng 2.000 gallon (7.500 lít) nước. Điều này khiến ngành dệt nhuộm là nguyên nhân lớn thứ hai gây ô nhiễm nước trên toàn cầu. Trong khi đó, các sản phẩm của Algaeing lại có thể phân hủy sinh học và không độc hại.
Ngoài Algaeing, công ty khởi nghiệp Vollebak của Anh cũng đang tập trung phát triển các sản phẩm bền vững. Từ năm 2015, Vollebak bán áo phông dệt từ sợi gai dầu và nhuộm màu bằng tảo dễ dàng phân hủy chỉ sau vài tuần.
Mặc dù vậy, thách thức lớn nhất đối với thời trang làm từ tảo là chi phí sản xuất. Nhà đồng sáng lập kiêm Giám đốc điều hành Vollebak Steve Tidball cho biết những chiếc áo phông làm từ sợi gai dầu và tảo có giá khoảng 110 USD, quá đắt so với mặt bằng chung.
Trong khi đó, McCurdy lại cho rằng chi phí sản xuất sợi tổng hợp rẻ vì nó là sản phẩm phụ của dầu mỏ, vốn được sử dụng cho mọi thứ từ nhựa đến năng lượng. Khi thế giới chuyển sang năng lượng sạch, lợi thế này sẽ mất đi. Bất cứ công nghệ mới nào cũng đắt đỏ trước khi được sử dụng đại trà. Theo McCurday, bí quyết chính là tạo ra nhu cầu đó, nghĩa là biến các sản phẩm thời trang bền vững trở nên hấp dẫn hơn, chứ không chỉ mang tính đạo đức.
Ngành thời trang sản xuất hơn 100 tỷ bộ quần áo mỗi năm, trong đó, trung bình mỗi người trên Trái Đất mặc khoảng 14 bộ. Phần lớn quần áo đều kết thúc vòng đời tại những bãi chôn lấp, sông, biển, trong khi chỉ một phần nhỏ được đem đi tái chế. Điều này khiến ngành thời trang tạo ra 10% tổng lượng khí thải CO2, tức nhiều hơn cả lĩnh vực du lịch hàng không và vận tải quốc tế cộng lại.