Cơ quan Thám hiểm Vũ trụ Nhật Bản (JAXA) đã xác nhận sự hiện diện của một "lượng lớn" mẫu đất từ tiểu hành tinh Ryugu - cách Trái Đất hơn 300 triệu km, trong hộp chứa.
Theo JAXA, sau khi tháo ốc vít ra khỏi hộp chứa bên trong khoang, các nhà khoa học đã phát hiện một lượng nhỏ bụi của tiểu hành tinh ở vỏ ngoài. Nó không phải là những hạt mịn như bột, nhưng có rất nhiều mẫu có chiều ngang vài mm. Một bức ảnh được JAXA công bố cho thấy các hạt có cùng màu đen với bề mặt của tiểu hành tinh Ryugu.
Phát biểu với báo giới, người đứng đầu dự án Hayabusa2 của JAXA Yuichi Tsuda khẳng định tàu Hayabusa2 đã hoàn thành sứ mệnh một cách xuất sắc. JAXA sẽ tiếp tục mở hộp chứa và phân tích chi tiết thành phần phân tử và đồng vị của mẫu khí thu thập được.
Bộ trưởng Khoa học Nhật Bản Koichi Hagiuda bày tỏ hy vọng sứ mệnh này sẽ làm sáng tỏ bí ẩn nguồn gốc sự sống do khoang của Hayabusa2 có thể chứa các mẫu dưới bề mặt từ tiểu hành tinh Ryugu, qua đó, cho thấy dấu vết của hệ Mặt Trời lúc mới hình thành.
Sứ mệnh của tàu Hayabusa2 là lần đầu tiên thu thập các mẫu lớp dưới bề mặt tiểu hành tinh Ryugu. Con tàu này được phóng lên vũ trụ vào năm 2014 và đã chạm vào tiểu hành tinh Ryugu hồi tháng 2 và tháng 7. Các mẫu vật trên tiểu hành tinh Ryugu được đưa trở lại Trái Đất trong một hộp kim loại kín đặt bên trong khoang mà tàu thám hiểm thả xuống một sa mạc của Australia ngày 6/12 vừa qua.
Hộp kín này, được cho là chứa hơn 0,1 g vật chất thu thập, đã được đem về Nhật Bản ngày 8/12 để mở ra tại JAXA ở tỉnh Kanagawa phía Tây thủ đô Tokyo, trong môi trường chân không tại một cơ sở đặc biệt để ngăn sự xâm nhập của vật chất bên ngoài.
Một nửa số mẫu vật mà Hayabusa2 thu thập được sẽ được JAXA, Cơ quan Hàng không và Vũ trụ Mỹ (NASA) cùng các tổ chức quốc tế khác chia sẻ. Phần còn lại sẽ được lưu giữ để nghiên cứu thêm trong tương lai.
Tuy nhiên, sứ mệnh của Hayabusa2 chưa kết thúc, và con tàu này sẽ bắt đầu mở rộng sứ mệnh thăm dò sang 2 tiểu hành tinh mới.