Thiếu hụt nhân lực chuyên môn cao về nông nghiệp

Theo đánh giá của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, việc thu hút nguồn lực khoa học công nghệ phục vụ trong lĩnh vực nông nghiệp đang gặp nhiều khó khăn, dẫn tới thiếu hụt lực lượng cán bộ khoa học trình độ chuyên môn cao, đặc biệt ở một số lĩnh vực mới, công nghệ cao (công nghệ sinh học, vắcxin, vật liệu mới...).


Việc khó thu hút cán bộ KHCN giỏi là do vướng mắc ở nhiều khâu như: Thu nhập thấp; điều kiện nghiên cứu, thí nghiệm tại địa bàn nông thôn không có hoặc ít có điều kiện học tập nâng cao trình độ chuyên môn. Một số lĩnh vực nghiên cứu về thú y, công nghệ sau thu hoạch, đất và phân bón, thủy sản, lâm nghiệp, cơ điện nông nghiệp… đang có nguy cơ thiếu cán bộ nghiên cứu trầm trọng.


Mặt khác, cơ chế thị trường cũng tác động không nhỏ tới tâm huyết của các nhà nghiên cứu khoa học. Thị trường công nghệ chậm phát triển, các kết quả nghiên cứu được tạo ra khó giữ được bản quyền; đối tượng sử dụng kết quả nghiên cứu là nông dân, người có thu nhập thấp nên việc chuyển nhượng gặp khó khăn…. Chất lượng đào tạo còn nhiều bất cập và chưa đáp ứng được yêu cầu, chất lượng đầu vào thấp…; sau khi tốt nghiệp sinh viên vào làm việc tại các tổ chức khoa học công nghệ, chuyển giao kỹ thuật cần khoảng thời gian đào tạo lại khá dài.


Hiện cán bộ KHCN làm việc trong 11 tổ chức nghiên cứu trực thuộc Bộ là khoảng hơn 7.930 người; trong đó có 67 giáo sư và phó giáo sư, 426 tiến sỹ khoa học, 1.2 thạc sỹ, số còn lại có trình độ đại học, cao đẳng, trung cấp và công nhân kỹ thuật phục vụ nghiên cứu thí nghiệm.


Mặc dù vậy, theo Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Thị Xuân Thu, dù số lượng cán bộ khoa học đông nhưng cán bộ có học hàm giáo sư, phó giáo sư phần lớn tuổi cao; tỷ lệ cán bộ có đủ năng lực chủ trì đề tài nghiên cứu đưa lại kết quả tốt lại thấp (ở một số tổ chức KHCN ước tính chỉ chiếm khoảng 15%); thiếu cán bộ giỏi, nhất là các viện nghiên cứu nông nghiệp đóng tại các vùng có điều kiện kinh tế xã hội khó khăn và đặc biệt khó khăn.


Thứ trưởng Nguyễn Thị Xuân Thu cho biết, để dần khỏa lấp khoảng trống này, từ nay đến năm 2020, hàng năm cần đào tạo khoảng 100 tiến sỹ, 300 thạc sỹ để làm công tác nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ; huấn luyện 650.000 - 700.000 lượt nông dân và 50.000 - 65.000 lượt cán bộ làm công tác quản lý chỉ đạo sản xuất nông nghiệp và khuyến nông cấp xã.


Bên cạnh đó, các tổ chức khoa học công nghệ, chuyển giao khoa học và công nghệ, khuyến nông xây dựng quy hoạch đào tạo cán bộ có trình độ trên đại học cho từng lĩnh vực chuyên môn...


Bộ cũng sẽ có chính sách ưu đãi đối với cán bộ khoa học và công nghệ trong nông nghiệp và phát triển nông thôn, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật, khuyến nông ở các vùng nông nghiệp trọng điểm, vùng có điều kiện kinh tế khó khăn. Cán bộ có chuyên môn giỏi, có ít nhất 3 công trình khoa học công nghệ xuất sắc được áp dụng trong sản xuất nông nghiệp, ngoài việc được tặng thưởng các giải thưởng, danh hiệu thi đua... sẽ được ưu tiên thuê nhà công vụ hoặc ưu tiên mua nhà dành cho người thu nhập thấp.



Hoàng Tùng

DN vẫn ỷ vào nhà nước trong đầu tư khoa học
DN vẫn ỷ vào nhà nước trong đầu tư khoa học

Những nhà khoa học trụ lại là những người giỏi chịu đựng và nhiều đam mê, nhưng không thể giữ người giỏi bằng đam mê mà không có ưu đãi hợp lý và không có vinh danh.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN