Con chip này sẽ được kết nối với não bộ thông qua hàng ngàn sợi dây dẫn siêu nhỏ, trong đó mỗi sợi dây dẫn sẽ nối với hàng loạt điện cực, hay có thể coi là những cảm biến. Con chip này sẽ được kết nối không dây với một thiết bị tai nghe giúp chuyển thông tin tới một ứng dụng điện thoại thông minh mà người dùng có thể kiểm soát.
Hiện tại, để thực hiện được việc cấy ghép, các bác sỹ phẫu thuật sẽ khoan một lỗ nhỏ trên sọ não, sau đó con chip sẽ được một robot mà công ty này chế tạo đưa vào não và "khâu" các điện cực của con chip vào não người thông qua những dây dẫn siêu nhỏ một cách rất chính xác.
Tuy nhiên, theo vị tỷ phú này, trong tương lai, kỹ thuật khoan lỗ trên sọ não sẽ được thực hiện bằng một cỗ máy chiếu tia laser để có thể khoan những lỗ cực nhỏ trên hộp sọ giúp việc đưa dây dẫn vào một cách dễ dàng và không đau đớn.
Theo một bác sỹ phẫu thuật thần kinh thuộc Neuralink, mục tiêu ban đầu của công ty là sử dụng công nghệ này để điều trị các bệnh nhân bị não và liệt, nhưng mục tiêu về lâu dài đó là có thể cho phép những người khỏe mạnh tăng cường trí thông minh của họ lên mức giống như bộ vi xử lý của một máy tính. Dự kiến, theo lộ trình phát triển, công nghệ này sẽ được thử nghiệm trên con người vào năm 2020.