Từ nền tảng ban đầu...
Trong xu thế phát triển của hàng loạt công nghệ mới, đặc biệt là các công nghệ số như internet vạn vật, điện toán đám mây, dữ liệu lớn và các kỹ thuật máy học mới đã tạo thuận lợi cho trí tuệ nhân tạo phát triển vượt bậc, đóng góp mạnh mẽ vào sự phát triển kinh tế, xã hội toàn cầu. Trí tuệ nhân tạo được xem là nền tảng quan trọng, cho phép tăng năng suất lên máy, người - người theo các cấp độ: giao diện, tương tác, tích hợp và trí tuệ.
Cùng với tiến bộ của khoa học dữ liệu, học máy, nền tảng dữ liệu thực tiễn dồi dào và sự trưởng thành của đội ngũ nghiên cứu trẻ trình độ cao được đào tạo bài bản ở các nước phát triển trở về, các nghiên cứu phát triển và ứng dụng trí tuệ nhân tạo tại Việt Nam đã dần hình thành, được củng cố và ngày càng phát triển.
Các dự án nghiên cứu phát triển và ứng dụng trí tuệ nhân tạo được tập trung tại các trường đại học, viện nghiên cứu và công ty công nghệ hàng đầu như Viện Công nghệ thông tin (Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam); các Trường Đại học Công nghệ, Đại học Khoa học Tự nhiên (Đại học Quốc gia Hà Nội); Trường Đại học Bách khoa Hà Nội; các Trường Đại học Bách khoa, Đại học Khoa học Tự nhiên (Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh); Viện John von Neumann; Học viện Kỹ thuật Quân sự; Học viện Bưu chính Viễn thông…
Theo Tiến sĩ Bùi Thế Duy, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ, thời gian trước đây, các nhóm nghiên cứu trí tuệ nhân tạo của Việt Nam đã có các công trình nghiên cứu định hướng ứng dụng trí tuệ nhân tạo về nhận dạng chữ, hệ chuyên gia, hệ mờ, hệ trợ giúp quyết định dựa trên mô hình và tri thức. Tuy vậy, do các hạn chế về trang thiết bị, công cụ phần mềm và môi trường thực tế, việc ứng dụng trí tuệ nhân tạo gặp khó khăn và chưa đạt được yêu cầu áp dụng thực tế. Điều này cũng giống với tình hình nghiên cứu phát triển và ứng dụng trí tuệ nhân tạo trên thế giới.
Tại Trường Đại học Khoa học Tự nhiên (Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh), hướng nghiên cứu về trí tuệ nhân tạo được hình thành và phát triển ngay từ khi thành lập Khoa Công nghệ thông tin năm 1996. Nhiều nhóm nghiên cứu được xây dựng và phát triển tại Khoa trong hơn 20 năm qua gồm: Tính toán mềm, tính toán tiến hóa, máy học, xử lý ảnh, thị giác máy tính, xử lý ngôn ngữ tự nhiên, khai thác dữ liệu và khoa học dữ liệu, dữ liệu lớn…
Năm 2007, Phòng thí nghiệm Trí tuệ nhân tạo (AILab) do Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh đầu tư được thành lập tại Trường Đại học Khoa học Tự nhiên. Đây là phòng thí nghiệm trí tuệ nhân tạo đầu tiên tại Thành phố với hướng nghiên cứu chính gồm: xử lý ngôn ngữ nói (nhận dạng và tổng hợp tiếng nói), xử lý ảnh và thị giác máy tính. Trong khi đó, Trung tâm Ngôn ngữ học tính toán được thành lập năm 2015 với các chủ đề nghiên cứu và ứng dụng xử lý ngôn ngữ tự nhiên.
Năm 2017, Phòng Thí nghiệm công nghệ phần mềm (SELab, thành lập năm 2002) bắt đầu xây dựng, phát triển hướng nghiên cứu và phát triển các hệ thống tương tác thông minh, ứng dụng các thuật toán xử lý thông minh để phát triển các dịch vụ cho thành phố thông minh, hỗ trợ cuộc sống thường nhật của các cá nhân và tổ chức. Trường Đại học Khoa học Tự nhiên đã có nhiều công trình công bố quốc tế về nghiên cứu trí tuệ nhân tạo. Trong 5 năm gần đây, 96 công trình trên các tạp chí ISI (29 công trình thuộc Q1 và 31 thuộc Q2 - phân hạng tạp chí), trên 200 bài báo hội nghị khoa học quốc tế.
Ứng dụng trong quản lý
Thành phố Hồ Chí Minh là đô thị đặc biệt với dân số hơn 10 triệu người, đã và đang đối mặt với những thách thức lớn trong quá trình phát triển giao thông đô thị do tiến trình đô thị hóa nhanh chóng, sự gia tăng của dân số và phương tiện tham gia giao thông. Tình trạng ùn tắc giao thông, tai nạn giao thông và ô nhiễm môi trường từ các hoạt động giao thông vận tải, ảnh hưởng lớn đến sự phát triển bền vững. Nhận thức sâu sắc được vấn đề trên, Thành phố không ngừng nỗ lực cải tạo, xây dựng và phát triển cơ sở hạ tầng giao thông vận tải, đảm bảo trật tự an toàn giao thông ở mức độ cao nhất có thể.
Trước đây, việc đo, đếm, phân tích lưu lượng, mật độ, vận tốc dòng giao thông tại các đô thị có đặc thù giao thông hỗn hợp với thành phần xe máy chiếm chủ yếu, được xem là không khả thi đối với các công cụ phân tích truyền thống như vòng từ, ống hơi hay cảm biến áp nhiệt. Giờ đây, với sự phát triển của trí tuệ nhân tạo mà cụ thể là machine learning (học máy), hệ thống phân tích dự liệu giao thông theo thời gian do Sở Giao thông Vận tải Thành phố Hồ Chí Minh đang thực hiện thông qua camera thu thập dữ liệu, đạt đến độ chính xác khá cao (trên 90%) trong các điều kiện thời tiết, môi trường phức tạp và kỳ vọng tiếp tục tăng cao độ chính xác dữ liệu hành vi giao thông được thu thập ngày càng nhiều phục vụ phân tích.
Ông Trần Quang Lâm, Giám đốc Sở Giao thông Vận tải Thành phố Hồ Chí Minh đánh giá, với sự hỗ trợ của khoa học công nghệ, từ trí tuệ nhân tạo, machine learning, công cụ mô phỏng, dự báo… hệ thống giao thông thông minh đang triển khai không chỉ phục vụ công tác quản lý, giám sát, đo đếm hàng ngày, giúp điều hành giao thông một cách hiệu quả hơn, mà đó có thể làm cơ sở để dự báo công tác đầu tư ngắn hạn cũng như làm quy hoạch dài hạn phát triển hệ thống giao thông đô thị.
Trong lĩnh vực y tế, Bệnh viện Nhân dân 115 và Bệnh viện Gia An 115 đã triển khai phần mềm trí tuệ nhân tạo chuyên dụng trong chuẩn đoán đột quỵ mở ra cơ hội cứu sống và giảm nguy cơ khuyết tật cho bệnh nhân, góp phần đưa bệnh nhân đến tái hòa nhập sớm. Ngoài ra, Bệnh viện Ung bướu Thành phố là một trong ba bệnh viện (cùng với Bệnh viện K và Bệnh viện Đa khoa Phú Thọ), được Bộ Y tế chọn để thử nghiệm phần mềm trí tuệ nhân tạo “IBM Wason for Onconogy” của IBM trong việc tư vấn và hỗ trợ các bác sĩ lựa chọn phương pháp điều trị tiên tiến và hiệu quả cho bệnh nhân ung thư. Tại Bệnh viện Nhi Đồng 1, dữ liệu kê đơn có thể được coi là một trong những nguồn dữ liệu lớn của bệnh viện đã áp dụng nguyên lý máy học xây dựng phần mềm ứng dụng giúp kê đơn hợp lý cho bác sĩ làm việc tại các phòng khám của bệnh viện.
Trong điều kiện nguồn lực của nước ta nói chung, Bác sĩ Tăng Chí Thượng, Phó Giám đốc Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng, việc xây dựng mới các phần mềm ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong lĩnh vực y tế vẫn còn một khoảng cách thực tiễn. Trước mắt, cần tập trung triển khai các sản phẩm ứng dụng trí tuệ nhân tạo để nâng cao hiệu quả, chất lượng chăm sóc sức khỏe người dân. Đây vốn là thách thức cần được quan tâm, vì vậy, đòi hỏi chọn lựa những ứng dụng đã được chứng minh khoa học về lợi ích của nó và phù hợp với yêu cầu phát triển từ thực tiễn của ngành y tế.
Những nền tảng về nghiên cứu cùng thành tựu ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong điều hành quản lý phục vụ cho người dân là một tiền đề quan trong để Thành phố tiếp tục triển khai, nghiên cứu ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong thời gian tới. Đây là phần quan trọng để thành phố xây dựng đô thị thông minh, phục vụ tốt hơn cho người dân.
Bài 2: Những kết quả bước đầu trong thực tiễn